HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH LẦN THỨ II:

Đồng bào các dân tộc thiểu số Thuận Nam đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư

(NTO) Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Thuận Nam đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi bộ mặt khu dân cư, đời sống nhân dân từng bước cải thiện, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh.

Toàn huyện hiện có 17.770 người là đồng bào DTTS, chiếm 29,7%, bao gồm các dân tộc như Chăm, Raglai, Hoa, Tày, Nùng…sống tập trung chủ yếu ở 3 xã Phước Nam, Phước Ninh và Phước Hà. Đồng chí Kiều Văn Đay, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện cho biết: Nhằm giúp người dân vùng đồng bào DTTS hiểu ý nghĩa, mục đích và tích cực hưởng ứng cuộc vận động, MTTQ huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng khu dân cư như: treo băng rôn khẩu hiệu, tuyên truyền hệ thống truyền thanh hoặc lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt cộng đồng; tuyên truyền thông qua những người uy tín trong đồng bào DTTS … Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động góp phần củng cố khối đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực giúp nhau phát triển kinh tế, tình hình an ninh trật tự địa phương được giữ vững.

 
Một góc thôn Văn Lâm, xã Phước Nam. Ảnh: V.M

Nổi bật nhất là phong trào xây dựng đời sống kinh tế trong đồng bào các DTTS chuyển biến tích cực. Các cấp chính quyền từng bức hướng dẫn bà con xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, ưu tiên hỗ trợ các nguồn vốn vay, con giống, cây trồng; áp dụng các mô hình sản xuất kinh tế có hiệu quả như: “1 phải, 5 giảm”; mô hình “liên kết 4 nhà”; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nuôi bò sinh sản… Thông qua đó, xuất hiện nhiều cá nhân điển hình làm kinh tế giỏi ở cộng đồng các DTTS trên địa bàn. Đời sống vật chất người dân ngày càng ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các DTTS còn 9,01%; 100% thôn có điện sinh hoạt, 100% trục đường chính bê-tông hóa.

Khi đời sống vật chất ổn định, người dân chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần. Nhằm phát huy, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, các cấp chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc thi hát dân ca; tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS tổ chức Lễ hội Katé, Ramưwan; chủ động mở lớp truyền dạy nhạc cụ mã la cổ trong trường học;… Cùng với đó, tích cực bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan trong các khu dân cư. Thực hiện nếp sống văn minh, đồng bào các DTTS ngày càng nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây chuồng trại xa khu vực nhà ở phòng tránh ô nhiễm, dịch bệnh. Đơn cử như xã Phước Nam đã thành lập đội thu gom rác thải cho các hộ dân trong xã. Nhờ đó, tình hình vệ sinh môi trường trong thôn, ngõ xóm luôn đảm bảo. Ngoài ra, đồng bào sẵn sàng góp công, góp của hiến đất xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, hưởng ứng xây dựng nông thôn mới. Những người có uy tín trong đồng bào DTTS là những “đầu tàu” tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo đó, phát huy vai trò xây dựng dòng họ tự quản, tuyên truyền, vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng tình đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc. Đến nay, toàn huyện có 7 thôn đồng bào DTTS được công nhận thôn văn hóa; 2.270 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 85,21%. Trong đó, có 31 gia đình văn hóa tiêu biểu được cấp huyện, tỉnh khen thưởng; 1 gia đình văn hóa tiêu biểu được biểu dương toàn quốc. 3 xã đồng bào các DTTS đều có trung tâm văn hóa, là nơi để đồng bào sinh hoạt cộng đồng, tạo điều kiện cho các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao phát triển.

Phát huy những kết quả đã đạt được, tin rằng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng đi vào cuộc sống đồng bào các DTTS, xây dựng nền móng vững chắc đẩy mạnh kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh địa phương phát triển.