Nở rộ trào lưu mua vải ký

(NTO) Mặc dù đồ may sẵn được bày bán trên thị trường giá rất rẻ, nhưng vải ký vẫn thu hút khách bởi đặc điểm giá rẻ và "không đụng hàng”.

Thời gian gần đây vải ký được bày bán rộng rãi trên địa bàn Tp Phan Rang- Tháp Chàm như: ở các tuyến đường Quang Trung, Đoàn Thị Điểm, Lê Lợi… thu hút người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ. Vải ký không nguyên khúc, nguyên cây như các loại vải bán ở các chợ mà có từng mảnh một. Có mảnh dài đến hàng chục mét nhưng cũng có khi chỉ vừa đủ may một áo sơ mi ngắn tay. Khổ vải cũng không thống nhất: loại khổ 1,2m, 1,4m, 1,6m hoặc chỉ 0,8 m. Với nhiều chủng loại, màu sắc đa dạng, từ các loại như voan mỏng, taffa, katê thun, thun cotton, lanh để may áo đầm hay áo sơ mi đến các loại vải có gắn kim sa, kim tuyến, vải nhung, kaki …. Giá bán tùy vào từng loại dao động từ 15 đến 20 ngàn đồng một lạng.

Vải ký hiện được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn Ảnh: Văn Miên

Giá rẻ, kiểu “không đụng hàng”

Tại hiệu vải ký Thanh Tuyền trên đường Quang Trung, tấp nập người ra vào. Ở đây vải được trải la liệt dưới nền, mọi người đua nhau xới tung đống vải để tìm miếng vải ưng ý. Chị chủ tiệm cho biết: Có nhiều khúc vải đẹp, phối đồ rất sang nằm lẫn lộn trong đống vải, chủ yếu người mua phải chịu khó ngồi lựa. Chị Thanh ở phường Phủ Hà cho hay, chị thường mua vải ký may áo sơ mi đi làm, giá rẻ và có nhiều hàng “độc”, đảm bảo không có cái thứ hai. Vả lại thời trang thay đổi liên tục, mua vải mắc, tiếc tiền lắm. Đối với chị Trâm thì lại khác, chị tìm đến vải ký vì đồ may sẵn không có size cỡ như cô, giá lại rẻ, họa tiết đẹp mắt mà ở tiệm vải lớn không có.

Khi vải ký mới "nhập" về, tỉnh ta chỉ lác đác một vài tiệm bán. Nhưng khi thị trường bắt đầu "thịnh" thì các cửa hiệu vải ký liên tiếp mọc lên. Để cạnh tranh nhau các chủ tiệm phải thường xuyên lấy hàng mới về để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị Trang ở đường Lê Lợi bộc bạch: Một kiện vải đem về, thường thì chỉ bán khoảng 60% là phải nhập về cái mới cho phù hợp người tiêu dùng. Lâu thành quen, mỗi tiệm đều có những khách hàng “ruột”. Khi có vải mới về, đẹp, phù hợp là chủ tiệm lại gọi điện cho “bạn hàng”. Đối với các tiệm này, để thu hút và tạo được uy tín nơi khách hàng là chuyện không phải dễ. Ngoài việc tư vấn đúng, bán vải đẹp, các tiệm còn phải có thợ may khéo, vừa lòng khách và người bán phải có mắt thẩm mỹ. Chị Loan chủ tiệm vải trên đường Đoàn Thị Điểm, cho biết: Khách hàng đến tiệm của chị chủ yếu là ở tuổi trung niên. Cỡ tuổi này, mua quần áo may sẵn rất khó, các chị đến hiệu vải và mình tư vấn cho các chị đồng thời mình cũng nhận may những kiểu áo đẹp, rẻ, thời trang mà vẫn hợp với lứa tuổi của các chị”.

Chất lượng “ hên xui”

Để may một cái váy đi dự tiệc phải mất ít nhất 250 ngàn đồng tiền vải lẫn tiền công. Nếu chịu khó sưu tầm vải ký chỉ khoảng 150 ngàn là có chiếc váy đẹp. Tuy nhiên chất lượng cũng “hên xui”. Chị Châu đang mải mê lựa vải cho hay: Nhiều khi mình mua được những khúc vải rất tốt, may lên mặc đẹp lắm. Nhưng có khi cũng mua phải vải dỏm về giặt một nước là vải đổ lông, co rút, giãn rất xấu. Chị Trâm cũng vậy sau một thời gian “xới tung” đống vải chị cũng lựa được cho mình một tấm vải voan đen ưng ý, nhưng khi may xong áo mới phát hiện có vài vết thủng nhỏ, làm mất cả công, lẫn tiền. Không kể khi mua vải ký vô hình trung mắc phải bệnh về đường hô hấp mà không biết, bởi lẽ khi ngồi lựa vải vô tình đã hít phải bụi vải.Vì vậy chị em phải tự bảo vệ sức khỏe của mình.