Siết chặt công tác quản lý giá sữa

(NTO) Ngày 20-5-2014, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Quyết định này có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1-6, nhằm từng bước chấn chỉnh, tiến tới chấm dứt tình trạng giá sữa tăng tùy tiện, bất hợp lý như thời gian vừa qua.

Tại tỉnh ta, ngay sau khi có Quyết định và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, ngày 29-5, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2549/UBND-TH chỉ đạo Sở Tài chính và Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để việc bình ổn giá sửa được thuận lợi, tạo đồng thuận của người dân và doanh nghiệp (DN). Chị Trần Thị Phước Tuyền, Trưởng Phòng Quản lý giá - công sản, Sở Tài chính cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì các DN trên địa bàn tỉnh đều thuộc diện chi nhánh, đại lý và cửa hàng bán lẻ không có quyền quyết định giá, nên không phải thực hiện đăng ký giá, nhưng phải thực hiện niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản có liên quan.

Khách hàng chọn mua sữa tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà.

Mặc dù thời hạn cuối để các DN công bố và niêm yết giá công khai áp dụng phải đến ngày 21-6-2014, nhưng qua tìm hiểu chúng tôi được biết hầu hết các DN, đại lý lớn như: Công ty TNHH TM-DV Phượng Định, Công ty TNHH TM-DV Thy Thy, Công ty TNHH TM-DV Trúc Nguyên..., đều đã thực hiện việc điều chỉnh giá giá bán theo quy định khá sớm. Ông Lý Minh Đăng, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Thanh Hà cho biết: Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngay từ ngày 3-6 đơn vị đã “đàm phán” với các nhà phân phối lớn như: Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, Nestle, Dutch Lady... để thực hiện việc điều chỉnh giá đối với 16/21 mặt hàng sữa mà siêu thị đang kinh doanh. So với giá bán buôn đã kê khai (bao gồm VAT) thì giá bán lẻ khuyến nghị mới mà đơn vị chúng tôi đưa ra đối với các mặt hàng trên có giá bán thấp hơn từ 38 ngàn đồng đến 205 ngàn đồng/hộp. Cụ thể như: Sản phẩm E.GroA+DHA vaniB3 (loại 1,8kg/hộp) trước đây có giá 843.900 đồng thì nay giảm còn 638.500 đồng; Grow3 (loại 900g/hộp) có giá 313.200 đồng nay giảm còn 274.500 đồng; Similac Gain Plus IQ3 (loại 1,7kg/hộp) có giá 854.000 đồng nay giảm còn 720.900 đồng...

Việc Bộ Tài chính đưa ra bảng giá tối đa đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi là tin vui với người tiêu dùng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy không ít người tiêu dùng tỏ ý nghi ngại liệu việc áp trần giá sữa như vậy thì các DN có tìm cách giảm trọng lượng sữa hay không?. Chị Bùi Thị Kim Oanh, phường Thanh Sơn, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm chia sẻ: Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, chính sách bình ổn giá sữa của nhà nước giúp người tiêu dùng giảm bớt một phần gánh nặng chi tiêu. Nhưng chúng tôi cũng rất băn khoăn là tại sao đến nay danh mục cụ thể các sản phẩm sữa phải thực hiện giá bán trần vẫn chưa được các cửa hàng bán lẻ công bố!.

Theo đồng chí Trần Minh Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, việc Bộ Tài chính đưa ra bảng giá tối đa đối với 25 sản phẩm sữa trong hàng trăm sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường là vì các mặt hàng sữa này đang chiếm trên 60% thị phần. Mức giá quy định trong khâu bán lẻ được xác định bằng giá tối đa trong khâu bán buôn cộng chi phí khác có liên quan nhưng không quá 15% so với giá bán hiện hành. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh tình trạng các DN bắt tay nhau làm giá, găm hàng, hiện nay chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, dự kiến ngay sau ngày 21-6 sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở, DN có buôn bán, kinh doanh 25 mặt hàng sữa như đã quy định, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp cố tình không niêm yết công khai và có giá bán không đúng quy định, để chống việc kinh doanh không lành mạnh. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ yêu cầu các DN, cơ sở kinh doanh công khai mức giá bán buôn của các nhà cung cấp để người tiêu dùng theo dõi và giám sát.