“Thanh lọc” thị trường vàng trang sức mỹ nghệ

(NTO) Từ ngày 1-6, Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ (TSMN) lưu thông trên thị trường có hiệu lực.

Đây được coi là bước đi tiếp theo trong lộ trình về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3-4-2012 nhằm thiết lập lại trật tự thị trường vàng TSMN vốn được coi là bị “bỏ ngỏ” lâu nay.

Nhiều cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện đúng quy định
về đo lường và chất lượng trong sản xuất, kinh doanh vàng TSMN.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Tổng hợp Kiểm soát Nội bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam -Chi nhánh Ninh Thuận, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 38 DN sản xuất và kinh doanh vàng. Tuy nhiên mới chỉ có 11 DN được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng TSMN, các DN còn lại đang trong quá trình thực hiện đăng ký hoặc đăng ký lại theo quy định mới. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Chi nhánh Ninh Thuận, trong quý I-2014 về tình hình quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh thì khối lượng vàng sản xuất trong 11 DN có giấy phép kinh doanh là 2,7 kg, tương đương gần 2,5 tỷ đồng, dự kiến kỳ tiếp theo sẽ tăng lên 6,68 kg. Ngoài ra không phát sinh thêm hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, các con số trên mới chỉ dừng lại ở vàng sản xuất (chủ yếu là vàng miếng) còn vàng TSMN mà các DN trong tỉnh nhập từ các nơi khác (chủ yếu là từ TP. Hồ Chí Minh) về bán lại cho người tiêu dùng để ăn chênh lệch thì thực tế lớn hơn rất nhiều.

Theo quy định tại Thông tư 22, vàng TSMN phải phù hợp và đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường, phải có đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường. Thông tư cũng quy định vàng TSMN phải được bán đúng tuổi gần như là 100%, mức sai số cho phép cũng chỉ từ 0,1-0,3%. Khảo sát tại một số cửa tiệm vàng lớn trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm những ngày này, chúng tôi nhận thấy việc mua, bán vàng TSMN vẫn diễn ra khá bình thường. Hầu hết các cơ sở kinh doanh vẫn giữ thói quen cũ là chỉ ghi trọng lượng vàng và giá tiền trên mác mỗi sản phẩm TSMN. Trong số đó có những DN còn “mù mờ”, lúng túng, chưa hiểu rõ về Thông tư 22, số còn lại đã biết nhưng chưa thực hiện. Về phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hạnh, ở phường Đô Vinh cho biết: Được biết Thông tư mới ra nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên chúng tôi rất mừng. Từ nay, mua vàng TSMN mới cũng yên tâm hơn do mọi thông tin đều được công khai, minh bạch, còn khi bán thì bán ở đâu cũng được do có một tiêu chuẩn chung chứ không như trước là mua vàng ở đâu thì phải bán ở đó mới được giá, bán ở chỗ khác thì giá sẽ giảm.

Thông tin từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, để các đơn vị kinh doanh vàng TSMN nắm vững Thông tư 22, trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Ninh Thuận triển khai tập huấn nghiệp vụ về tiêu chuẩn đo lường đối với các cơ sở kinh doanh vàng TSMN trong tỉnh, chú trọng vào 2 nội dung: về đo lường và về chất lượng. Theo đó, về đo lường: các cơ quan chức năng sẽ cung cấp các yêu cầu đối với cân, bộ quả cân dùng kèm với cân được sử dụng để xác định khối lượng vàng hoặc hàm lượng vàng trong mua, bán giữa các tổ chức, cá nhân; yêu cầu giới hạn sai số của kết quả phép đo khối lượng vàng trong mua, bán với các tổ chức, cá nhân trong thanh tra, kiểm tra… Về chất lượng, các DN sẽ được cung cấp đầy đủ các thông tin về yêu cầu chất lượng đối với vàng TSMN; nội dung và yêu cầu công bố tiêu chuẩn áp dụng; hướng dẫn cách thức thể hiện nội dung ghi nhãn trên vàng TSMN và cách thức lấy mẫu, lưu mẫu, phương pháp thử nghiệm xác định hàm lượng vàng.

Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ hứa hẹn sẽ làm thị trường vàng TSMN trong tỉnh có sự “thanh lọc” tích cực, hạn chế các hành vi gian lận về đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng, tránh gây thiệt hại cho các DN làm ăn chân chính và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.