Chuyện đánh bắt hải sản ở Trường Sa

(NTO) Biết tin 3 tàu cá của ngư dân Phước Diêm (Thuận Nam) vừa đánh bắt từ vùng biển Trường Sa về, chúng tôi tìm gặp chia vui. Câu chuyện sau chuyến hành trình ra khơi dài 15 ngày chứa chất tình cảm dạt dào giữa ngư dân với người lính đảo.

Chở tình cảm đất liền đến với bộ đội Trường Sa

Ngày 28-5, tàu NT90201TS, NT90209TS của anh Trần Minh Tuấn và tàu NT90864TS của anh Lê Hùng ở thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm nhổ neo rời Cảng cá Cà Ná hướng thẳng ra vùng biển Trường Sa. Đây là chuyến ra khơi đầy ý nghĩa, ngoài khai thác hải sản đội tàu Thuận Nam còn làm nhiệm vụ mang quà của bà con tỉnh ta ra tặng, động viên tinh thần bộ đội Trường Sa vững tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau chuyến ra vùng biển Trường Sa đánh bắt có hiệu quả,
anh Lê Hùng chủ tàu NT90864TS ở thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm
đang sẵn sàng cho chuyến ra khơi xa tiếp theo.

Anh Lê Hùng, thổ lộ: Biết tin chúng tôi ra đánh bắt ở Trường Sa, trước khi nhổ neo một ngày có rất nhiều bà con trong tỉnh đến gửi quà cho bộ đội. Quà từ đất liền gửi ra hải đảo là những sản vật của xứ sở nắng gió Ninh Thuận như nước mắm Cà Ná, ớt cay Ninh Phước rất “chân quê” nhưng chứa chất tình cảm sâu nặng của người hậu phương đối với chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm động nhất là trước tình hình biển Đông “dậy sóng”, Hội Cựu chiến binh Thuận Nam còn gửi thư tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ Trường Sa vững chắc tay súng giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc.

Sau 2 ngày 1 đêm hành trình trên biển, đội tàu của ngư dân Thuận Nam tiếp cận vùng biển Trường Sa, lên đảo Đá Lát, Trường Sa Lớn, Song Tử Tây trao quà cho bộ đội. Anh Trần Minh Tuấn, tâm sự: Biết ngư dân Ninh Thuận ra Trường Sa đánh bắt kết hợp lên đảo tặng quà nên bộ đội rất cảm động, các đảo cắt cử chiến sỹ đón tiếp chu đáo. Khi đọc thư của Hội Cựu chiến binh Thuận Nam, các anh rất xúc động, nhờ chúng tôi chuyển lời đến đồng nghiệp trên đất liền là dù khó khăn nguy hiểm đến đâu bộ độ Trường Sa cũng vượt qua, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Bộ đội ở Trường Sa quan tâm đến tình hình đánh bắt của ngư dân, các anh hướng dẫn ngư dân chỉ làm nghề trong phạm vi ngư trường truyền thống của nước ta, không lấn sang lãnh hải nước bạn; bày cách xác định vùng nước tĩnh thả lưới. Các anh còn dặn dò quá trình đánh bắt trên biển gặp rủi ro, tai nạn báo cho bộ đội giúp đỡ.

Mỗi đảo, ngư dân chỉ có vài ba giờ đồng hồ nhưng đã để lại tình cảm chân thành, thể hiện tình quân - dân như “cá với nước”. Kỷ niệm nhớ nhất của anh Trần Minh Tuấn là được bộ đội ở đảo Song Tử Tây tặng 3 kg thịt heo do chính các anh nuôi. Anh Tuấn, tâm sự: Tôi không ngờ với điều kiện khắc nghiệt nơi đảo xa mà bộ đội vẫn tăng gia sản xuất giỏi, nuôi được nhiều heo, gà… Quà bộ đội tặng tôi không dám ăn, để dành đưa về đất liền cho mọi người cùng thưởng thức.

Chuyện làm nghề ở ngư trường mới

Anh Lê Hùng, cho biết: Trước đây chỉ làm nghề pha xúc đánh cá nổi gần bờ, vì háo hức muốn ra ngư trường Trường Sa nên năm 2013 đóng mới tàu lớn dài 17m, rộng 5m, công suất 530CV, trị giá 2, 5 tỷ đồng. Đầu năm nay, anh đầu tư tiếp 120 triệu đồng sắm bộ lưới rê mắt 10 dài 5.000m chuyển nghề ra khơi xa đánh bắt. Rút kinh nghiệm chuyến đi trước, chuyến này anh và anh Tuấn còn chuẩn bị mồi mực làm thêm nghề câu. Lúc nào biển yên thả lưới, gặp khi nước chảy mạnh thì neo tàu câu cá. Anh khẳng định làm nghề câu ở Trường Sa có ăn, bình quân mỗi đêm 9 thành viên trên tàu câu được trên dưới 200kg hải sản, chủ yếu là cá mú, cá bè, cá hồng, cá nhám, con nhỏ nhất 3 kg, có khi câu được cá nặng 30kg. Cũng theo anh Hùng, ở Trường Sa làm nghề lặn hải sâm nhanh giàu nhất. Qua giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt với ngư dân tỉnh bạn, anh Hùng biết được một chiếc tàu làm nghề lặn ở Trường Sa trong vòng 1 tuần có thu nhập khoảng 500 triệu đồng. “Thấy họ làm ăn tôi phát thèm, muốn làm thêm nghề lặn nhưng khó khăn của nghề này là không tìm được người “đi bạn” có kinh nghiệm” - anh Hùng nói.

Ngày 6-6 vừa qua, đội tàu của ngư dân Thuận Nam ra Trường Sa đánh bắt trở về cập Cảng cá Cà Ná an toàn. Tất cả 34 thuyền viên trên 3 tàu, ai nấy phấn khởi vì tiếp cận được ngư trường mới giàu tiềm năng. Những ngày này, rất nhiều ngư dân ở Phước Diêm, Cà Ná đến nhà anh Hùng, anh Tuấn hỏi han chuyện làm ăn, thăm dò tình hình để có kế hoạch chuyển nghề ra Trường Sa đánh bắt.