Chamaléa Thương vươn lên thoát nghèo bền vững

(NTO) Với tinh thần chịu khó, từ hộ nghèo, gia đình anh Chamaléa Thương ở thôn Tham Dú, xã Phước Trung (Bác Ái) đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, sung túc. Vừa qua, anh vinh dự được chọn là gia đình tiêu biểu được biểu dương tại Hội nghị Thi đua yêu nước huyện Bác Ái.

Mặc dù có 6 nhân khẩu, nhưng gia đình anh Thương chỉ có 2 lao động chính, do con cái đang trong độ tuổi đi học. Trước đây, với việc canh tác lúa rẫy, bắp đá chỉ dựa vào nước trời nên gia đình thường “thiếu ăn”, phải dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Không chịu khuất phục cái nghèo, cuối năm 2012, anh Thương đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển kinh tế, quyết tâm thoát nghèo. Sau khi vay tiền về anh bắt tay vào đầu tư sản xuất, đưa giống lúa mới TH6, TH8 vào trồng và áp dụng khoa học-kỹ thuật, kết hợp làm kênh mương thủy lợi để canh tác ổn định 2 vụ/năm trên diện tích 1,5 sào ruộng lúa nước. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên cây lúa cho năng suất khá-gần 5 tạ/sào/vụ. Đối với 1,2 ha đất rẫy, anh canh tác giống bắp lai. Giống mới đã phát huy hiệu quả cho năng suất đạt hơn 1,5 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, ngoài việc đảm bảo lương thực cho cả gia đình, anh còn bán và thu lãi được 15 triệu đồng/vụ.

Bên những bao bắp trước sân vừa thu hoạch, anh Thương tâm sự: “Từ thời ông bà mình chỉ quen làm rẫy nên có mùa được ăn, có mùa không. Từ khi cán bộ xã khuyên trồng giống mới mình thấy ưng cái bụng nên cùng đào mương dẫn nước về làm thử. Lúc đầu thấy bỏ phân, phun thuốc, làm cỏ khó nhưng cuối vụ có hiệu quả nên quyết tâm làm nữa”.

Phát huy thế mạnh của địa phương có nhiều diện tích chăn thả gia súc có sừng, lại tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, anh Thương đã gầy đàn, phát triển chăn nuôi. Hiện nay gia đình anh có đàn dê 10 con và đàn bò 6 con, mỗi năm đều sinh sản, phát triển ổn định. Để chăn nuôi mang lại hiệu quả, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do xã tổ chức, không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các hộ chăn nuôi trong thôn. Thêm vào đó, anh còn được các ban, ngành và cán bộ thú y của xã hướng dẫn cách chăm sóc, phòng và trị các loại bệnh thường gặp trên đàn gia súc. Chính vì vậy, mỗi năm đàn bò, dê cho thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng. Với kinh nghiệm và sự nhiệt tình của mình, anh Thương còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, cùng vận động, giúp đỡ người dân vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Mặc dù thu nhập chưa cao so với những điển hình sản xuất ở các địa phương khác, nhưng ở xã Phước Trung với điều kiện đời sống, sản xuất của người dân Raglai còn nhiều khó khăn, thì anh Thương là một điển hình đáng được nêu gương, học tập.