Vấn đề hôm nay:

Đừng để “thượng điền úng thủy”...!

(NTO) Theo dự báo của cơ quan chức năng, năm nay tình hình hạn hán sẽ diễn ra hết sức nghiêm trọng và tất nhiên là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh nói chung và nhiều vùng nông thôn nói riêng.

Theo khảo sát mới đây tại các hồ chứa nước trong tỉnh cho thấy hầu hết lượng nước sụt giảm đáng kể, chỉ còn từ 30-40% so với sức chứa theo thiết kế, thậm chí có hồ chỉ còn chứa lượng nước rất ít và sẽ khô kiệt trong thời gian không xa. Điều này sẽ tác động rất lớn đến sản xuất vụ hè - thu tới… Do vậy, yêu cầu đặt ra là ngay từ thời điểm này phải thực hiện tiết kiệm nước cả trong sinh hoạt và sản xuất, nhất là ở những vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp khô hạn. Yêu cầu là vậy nhưng thực hiện ra sao?

Nông dân nạo vét kênh Bắc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nói, người dân ở các vùng thường xuyên bị khô hạn đã quá thấm thía cảnh thiếu nước sinh hoạt mỗi khi vào mùa khô nên rất có ý thức trong bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm. Thế nhưng ở một số vùng sản xuất chủ động nước hoặc “thượng nguồn” thì còn xem nhẹ, ngay cả một số cán bộ thủy nông cũng chưa điều tiết nước hợp lý để tránh lãng phí trong khâu tưới tiêu. Cảnh “thượng điền, úng thủy” thường xảy ra trong khi “hạ điền khan”. Hay nói khác hơn, do khâu điều tiết nước từ một số tuyến kênh cấp II dẫn qua kênh cấp III và nội đồng chưa chặt chẽ làm cho vùng đất sản xuất đầu kênh thì úng ngập và ngược lại cuối kênh bị thiếu nước. Góp phần làm nên điều bất hợp lý này còn có nguyên nhân là việc đầu tư bê-tông hóa kênh mương nội đồng chưa sát với thực tế đồng ruộng. Nhiều con mương cũ, vừa thoát nước cánh đồng này nhưng đồng thời lại là cấp nước cho cánh đồng cuối kênh đã bị bồi lấp lẽ ra khi bê-tông hóa cần nạo vét, hạ “cốt” xuống thấp như cũ thì ngược lại “giữ nguyên hiện trạng”, hậu quả là khi con mương mới được xây xong thì chỉ còn chức năng cấp nước, mất đi chức năng thoát nên gây ngập úng vùng “thượng nguồn”, còn vùng cuối nguồn nước cấp không đủ do lòng mương xây dựng hẹp lại thiếu độ dốc để tăng lưu lượng dòng chảy như mương đất trước đây...

Còn rất nhiều điều bất hợp lý trong việc cấp nước cho đồng ruộng, đặc biệt là khi HTX bị giải thể thì “mạnh ai nấy làm”. Cho nên để sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, đề nghị ngành nông nghiệp cần ra soát lại thực trạng hiện nay về kênh mương nội đồng để có hướng đầu tư nạo vét, tu bổ, tổ chức quản lý khai thác hiệu quả. Đây cũng là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp theo hướng “cánh đồng mẫu lớn” gắn với công nghệ cao nhằm tăng thu nhập cho nông dân.