Trận địa vây lấn ở chiến trường Điện Biên Phủ

Những ngày cuối tháng 3/1954, quân Pháp ở Mường Thanh đang sống trong tâm trạng lo lắng và bi quan tột độ. Đến mức, Kenlê (Keller), viên trung tá tham mưu trưởng của Đờcát, vì sợ hãi nên hắn chọn một căn hầm vững chắc, suốt ngày ngồi im lặng úp chiếc mũ sắt lên mặt. Nhiều lính lê dương sống sót ở cứ điểm Him Lam được điều chuyển về các đơn vị, giờ bày tỏ quan điểm không muốn tiếp tục chiến đấu...

Rõ ràng “Con nhím Điện Biên Phủ” không chỉ đứng trước những thử thách đến từ các cánh quân Việt Minh, mà còn đến từ chính những đồng đội cùng chiến hào. Về phía quân ta, sau Hội nghị sơ kết đợt tấn công thứ nhất tại Mường Phăng, Bộ Tư lệnh quyết định các đơn vị tranh thủ thời gian đến mức tối đa để xây dựng, củng cố trận địa. Theo các Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc này Đảng ủy Mặt trận đề ra ba nhiệm vụ cụ thể nhằm chuẩn bị cho đợt tiến công thứ hai. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là: “Phải nhanh chóng tiếp cận, bao vây địch bằng cách xây dựng trận địa tiến công và bao vây quân địch khắp các mặt đông, tây, nam, bắc, trong cự ly có hiệu quả của tất cả các loại súng lớn, nhỏ của ta, đồng thời chia cắt phân khu Hồng Cúm với khu trung tâm”.

Thời gian dành cho việc xây dựng trận địa bao vây và tiến công trong đợt 2 là 10 ngày. Tùy tình hình chiến trường, tạm thời những tuyến chiến hào vạch ra trên bản đồ ước tính dài khoảng 100km và việc xây dựng trận địa sẽ còn phải tiếp tục trong suốt quá trình chiến đấu. Để giữ bí mật, việc xây dựng trận địa chỉ tiến hành vào ban đêm, làm tới đâu ngụy trang luôn ở đó. Mặt khác, đề phòng địch đánh phá vào ban ngày khi chúng phát hiện được, nên toàn thể mặt trận triển khai cùng một lúc nhằm phân tán hỏa lực của địch. Trước đợt tấn công thứ nhất, chúng ta đã tiến hành xây dựng trận địa nhưng quy mô lần này lớn hơn rất nhiều. Các đơn vị tiến hành một đợt học tập quán triệt nhiệm vụ tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ, lường trước mọi khó khăn, phức tạp; xác định tư tưởng là nhiệm vụ xây dựng trận địa cũng quan trọng không kém gì nhiệm vụ chiến đấu.

Theo mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây được quy định cụ thể như sau: Đại đoàn 308 phụ trách phía tây, các đại đoàn 312 và đại đoàn 316 phụ trách phía đông. Trận địa phía tây và phía đông gặp nhau một đầu ở đồi Độc Lập, một đầu ở bản Cò Mị, kết hợp thành một đường vòng rộng ôm lấy cánh đồng Mường Thanh. Trung đoàn 57 của đại đoàn 304, được tăng cường một tiểu đoàn của đại đoàn 316, có nhiệm vụ xây dựng một trận địa hình cánh cung, chạy từ đông sang tây, cắt rời phân khu Hồng Cúm khỏi khu trung tâm Mường Thanh.

Đại đoàn 308, xây dựng đường giao thông hào trục từ nam vị trí Đồi Độc lập qua bản Kéo, bản Pe Nọi, Nậm Bó, bản Mé, bản Cò Mị tới sông Nậm Rốm, và đường hào trục từ Pe Nọi vào vị trí tập kết của bộ đội phía tây Mường Thanh. Làm trận địa tiến công để chuẩn bị công kích vị trí 106. Đại đoàn 312, xây dựng đường hào trục từ nam vị trí đồi Độc Lập nối liền với đường hào trục của đại đoàn 308, qua Him Lam, Noong Bua nối liền với đường hào trục của đại đoàn 316. Làm trận địa tiến công, chuẩn bị công kích các cao điểm D và E. Đại đoàn 316, xây dựng đường giao thông hào trục từ Noong Bua nối liền với giao thông hào trục của đại đoàn 312, đi qua bản Bánh, bản Ten tới sông Nậm Rốm ngang bản Cò Mị, nối liền với giao thông hào trục của đại đoàn 308. Làm trận địa tiến công các cao điểm A1 và C1.

Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chính ủy trung đoàn 36, đại đoàn 308 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân việt Nam - cho biết: Đào hào đánh lấn là quá trình sáng tạo của quần chúng. Trong đợt 2 của chiến dịch, trung đoàn 36, đại đoàn 308 đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, tiêu diệt 2 vị trí địch 106 và 206 bảo vệ phía tây sân bay. Sáng kiến của trung đoàn 36, đại đoàn bộ binh 308 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương và kịp thời phổ biến ra toàn mặt trận Điện Biên Phủ cùng học tập và vận dụng.

Các chuyên gia quân sự đánh giá: Tuân thủ phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chúng ta chú trọng xây dựng trận địa bao vây và tiến công từng vị trí cố thủ đến toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch. Nhờ đó, ta không chỉ khai thác triệt để điểm yếu của địch, mà còn hạn chế được những điểm mạnh của chúng. Bằng hệ thống trận địa tiến công và bao vây, quân ta đã trói chặt, chia cắt thế liên hoàn, triệt phá cầu hàng không tiếp tế của địch. Với việc đào các hệ thống chiến hào, quân ta đã sử dụng chiến thuật “Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, tiếp cận dần vào các vị trí của Pháp. Ta đã vây lấn đào hào cắt ngang cả sân bay, đào hào đến tận chân lô cốt cố thủ, khu vực kiểm soát của quân Pháp bị thu hẹp. Sự phát triển nhanh chóng của các chiến hào cuối cùng đã hình thành một hệ thống giao thông hào tiến thẳng về phía Pháp, tạo thành vị trí bàn đạp tiến công rất thuận lợi để tiêu diệt từng bộ phận và đập tan mọi kế hoạch tháo chạy của địch. Các cứ điểm phòng ngự kiên cố của địch bị trận địa chiến hào của ta đẩy vào thế tự bao vây mình. Một hệ thống cứ điểm có thể yểm hộ chặt chẽ cho nhau, do trận địa chiến hào của ta mà trở nên rời rạc và dần bị cô lập.

Nghệ thuật “Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” nói chung và “Đánh lấn” nói riêng, được khởi đầu từ khi ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm 106, 105 và hoàn thiện trong trận tiêu diệt cứ điểm 206 (Huyghét 1) của trung đoàn 36, đại đoàn 308. Trong trận này, trung đoàn 36 đã hoạt động liên tục 6 ngày đêm (từ ngày 17 đến ngày 23/4/1954), xây dựng trận địa tiếp cận địch kết hợp chặt chẽ với bắn tỉa, sử dụng các phân đội nhỏ thường xuyên tấn công, tiêu diệt từng tên địch, phá từng lô cốt, làm cho chúng luôn luôn căng thẳng, sợ hãi mà nhụt chí chiến đấu. Kinh nghiệm tổ chức trận địa vây lấn ở chiến trường Điện Biên Phủ, về sau được hoàn thiện, nâng cao tại các mặt trận khác ở đồng bằng Bắc Bộ và trở thành cách đánh sáng tạo, hiệu quả của Quân đội Nhân dân Việt Nam...

Nguồn: baodienbienphu.com.vn