Điện Biên Phủ, “điểm hẹn” của lòng yêu nước

 Chiến thắng của sức mạnh đoàn kết

Chấp hành chỉ thị ngày 3/12/1953 của Nava - Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương - không quân Pháp không ngừng phát huy ưu thế của mình, liên tục tổ chức các cuộc không kích dữ dội xuống những tuyến đường dẫn lên Tây Bắc và dẫn vào thung lũng Mường Thanh...

Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để ngăn cản việc vận chuyển của ta, địch đánh rất mạnh vào những vùng trọng điểm ở hậu phương: Đèo Giàng từ Cao Bằng xuống, đèo Cà từ Lạng Sơn về, đèo Khế từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang, để triệt nguồn tiếp tế của ta ngay từ gốc. Những trận oanh tạc không chỉ nhắm vào đèo núi cao, mà cả những đoạn đường nằm trên những cánh đồng thấp để biến nó thành vũng lầy rất khó khắc phục. Trên tuyến chiến dịch, máy bay địch đánh phá ác liệt các đèo Lũng Lô, Pha Đin và những đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo ngăn không cho lương thực, vũ khí và quân trang tới được mặt trận. Có ngày, chúng ném xuống ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La hiện nay) 300 quả bom; đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên hiện nay), 160 quả gồm bom phá, bom napan và bom nổ chậm.

Ngã ba Cò Nòi (Sơn La), một trọng điểm bắn phá của không quân Pháp.

Trước tình hình trên, Ban Tham mưu đề nghị điều hai tiểu đoàn cao xạ pháo 37 ly về phía sau, cùng với các tiểu đoàn phòng không 12,7 ly bảo vệ những đoạn xung yếu trên đường 41 (nay là quốc lộ 6). Nhưng lực lượng phòng không của ta, dù đã tăng cường sức mạnh cũng chỉ hạn chế được một phần những cuộc oanh kích. Để duy trì sự thông suốt cho các tuyến đường vẫn là mồ hôi, trí tuệ và cả máu xương của lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công thường xuyên bám sát các trọng điểm, chờ máy bay địch ngừng hoạt động lại lao ra mặt đường phá bom nổ chậm, bom bươm bướm, san lấp thật nhanh những hố bom cho xe ôtô và dân công vượt qua. Toàn bộ lực lượng vận chuyển cơ giới của quân đội, gồm 16 đại đội, với 534 xe ôtô vận tải, đều tập trung phục vụ chiến dịch. Mãi sau này khi cuộc chiến lùi về quá khứ, Nava phải thú nhận trong hồi ký của mình: “Trong suốt thời gian diễn ra trận Điện Biên Phủ, không quân Pháp không một lần nào làm cho tuyến đường lên Điện Biên Phủ tê liệt trong 24 giờ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta (Pháp) thất bại”...

Mặt khác, quân ta chú trọng khai thác những tuyến đường sông. Một đơn vị công binh được điều về Lai Châu khai thông dòng sông Nậm Na. Đây là một tuyến tiếp tế khá quan trọng, nhưng cho tới lúc này chưa khai thác được bao nhiêu, vì trên sông có quá nhiều ghềnh thác hung dữ. Chúng ta đã có kinh nghiệm khắc phục ghềnh thác trên sông Mã trong chiến dịch Thượng Lào, chuyển lựu pháo từ Vân Nam về theo sông Hồng. Tại đây, xuất hiện tấm gương Anh hùng phá thác Phan Tư (trung đội 51, đại đội 124, tiểu đoàn 555, trung đoàn công binh 151, đại đoàn 351 - Long Châu). Sau một thời gian phá thác bằng thuốc nổ, trọng tải các mảng tăng lên gấp ba, số người điều khiển mảng từ ba, bốn người, rút xuống còn một người. Những nữ dân công Thanh Thủy, Thanh Ba vùng quê đất Tổ Vua Hùng (Phú Thọ), thời gian đầu rất ngại thác đá, nay mỗi cô ung dung điều khiển một mảng xuôi dòng Nậm Na. Không những thế, vừa khéo léo chèo thuyền vượt thác, các cô còn ca vang những bài hát xoan, hát ghẹo, tạo những niềm tin lạc quan cho mọi người. Từ Vân Nam (Trung Quốc) trên 1.700 tấn gạo bạn viện trợ cho ta, theo dòng Kim Thủy Hà tới cửa khẩu Ba Nậm Cúm, rồi tập kết tại bến Lai Châu (thị xã Mường Lay hiện nay), nhờ những nữ thanh niên xung phong sức vóc tuy mảnh mai nhưng tinh thần thì rất phi thường.

Thung lũng Mường Quài (thị trấn huyện Tuần Giáo), nơi đặt Trạm hậu cần thứ nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tròn hai tháng sau khi ta giành được chiến thắng “chấn động địa cầu”, Báo cáo số 813/BC ngày 10/7/1954 của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương về công tác phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, cho biết: Công tác cung cấp lúc này phải hoạt động trong một chiến trường rất rộng lớn, xa hậu phương. Chính chiến trường là nơi nhiều gạo nhất tỉnh Lai Châu thì địch chiếm đóng, những vùng xung quanh thì dân chúng thưa thớt, núi cao rừng rậm, ít gạo, dân đói. Yêu cầu của chiến trường thì nhiều, buộc chúng ta phải huy động từ xa hạt gạo, con trâu, con lợn, con cá, đỗ, mắm, muối, lạc, rau xanh... Chúng ta đã huy động gạo từ Thanh Hóa, Ninh Bình, Vĩnh Phúc; huy động thực phẩm từ Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định, Sơn Tây; huy động trâu, bò từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An. Tính ra, lực lượng dân công phải chuyên chở trên những con đường dài đến 700km, trong điều kiện máy bay địch đánh phá bất kể đêm ngày.

Tiến hành cuộc chiến đấu tại một chiến trường rất nghèo và rất xa hậu phương, nhưng nhân dân ta đã kiên trì vượt qua và đáp ứng mọi yêu cầu của chiến trường về nhân lực cũng như vật lực nói chung. Con số của báo cáo cho thấy ta đã cung cấp cho bộ đội nơi sa trường Điện Biên Phủ: 12.110 tấn gạo, 570 tấn thịt, 512 tấn thức ăn khô, 61 tấn đường, 259 tấn muối, huy động 25.155 dân công và 2.724 xe đạp thồ. Số dân công và phương tiện sử dụng trên tuyến Trung ương và Khu Tây Bắc, gồm: 253.582 dân công, 20.919 xe đạp, 180 ô tô (kể cả 41 xe quân sự và xe của các Khu sử dụng ở các tuyến dưới), 155 xe ngựa, 581 xe trâu, bò, 914 con ngựa thồ...

Được biết tại chiến dịch Điện Biên Phủ, trong nguồn cung cấp hậu cần cho bộ đội ăn no đánh thắng, có một phần thực phẩm tại chỗ của nhân dân vùng lòng chảo Mường Thanh. Trong lúc phải lẩn tránh các cuộc càn quét của lính Pháp, rất nhiều bà con dân tộc đã tự nguyện đuổi gia súc lên rừng với lời nhắn: “Của nhân dân mình đấy, bộ đội Việt Minh cứ việc mổ thịt mà ăn!”. Đó là một bằng chứng cụ thể và đầy yêu thương, xúc động, nói lên tình cảm của nhân dân với bộ đội. Chính vì lường trước điều này, đầu năm 1955 sau khi tái chiếm thung lũng Mường Thanh không lâu, Đờcát đã hạ lệnh dồn dân vào sống trong 4 trại tập trung như những nhà tù, dưới sự giám sát chặt chẽ của chúng.

Tròn 60 năm qua, bên cạnh những ý nghĩa to lớn về quân sự, chính trị, xã hội, ngoại giao... Chiến thắng Điện Biên Phủ được giới nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế, đánh giá là chiến thắng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, tập hợp rộng rãi các thành phần xã hội, các lực lượng cách mạng, các giới quốc dân đồng bào với tinh thần đã là người Việt Nam thì phải anh dũng đứng lên khi đất nước bị xâm lăng. Hơn bao giờ hết, Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sự kết tinh vĩ đại, thiêng liêng và kỳ diệu của sức mạnh đại đoàn kết dựng nước và giữ nước ấy.

Có lần tại chiến khu Việt Bắc, một nhà báo Ba Lan phỏng vấn Bác Hồ về nguyên nhân quan trọng nhất làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bác khoan thai xoè bàn tay ra, rồi nắm lại, nói chỉ 2 câu ngắn gọn: “Đoàn kết!”. Theo Bác Hồ, đoàn kết là một truyền thống thể hiện tư tưởng và bản chất của cách mạng Việt Nam, của toàn thể dân tộc Việt Nam. 15 năm sau, trong bản Di chúc trước khi đi xa, Bác viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Với trận Điện Biên Phủ, tình đoàn kết của Đảng và của dân ta đã hoá thân vào mỗi chiến công; trở thành chất keo sơn gắn bó giữa miền xuôi với miền ngược, giữa đơn vị này với đơn vị kia, giữa chỉ huy với chiến sỹ, giữa chiến sỹ với nhau và đặc biệt giữa bộ đội với nhân dân...

Nguồn: baodienbienphu.com.vn