Giải pháp ổn định nước tưới cho sản xuất

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2014 khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và Ninh Thuận nói riêng có thể xảy ra tình trạng khô hạn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.

Để chủ động ứng phó với tình hình trên, ngay từ giữa tháng 3, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã lập phương án phòng, chống hạn vụ đông – xuân và kế hoạch điều tiết nước phục vụ sản xuất cho vụ hè – thu.

 
Hệ thống kênh mương nội đồng được bê tông hóa phục vụ tốt việc sản xuất nông nghiệp.
 

Đồng chí Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cho biết: Để đảm bảo kế hoạch sản xuất, ngay từ cuối mùa mưa năm 2013, đơn vị đã chủ động tích nước các hồ chứa trong toàn hệ thống theo quy trình, đồng thời tận dụng lượng nước hồi quy và sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý để giữ nguồn nước. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa bổ sung nên nguồn nước ở tất cả 20 hồ chứa đang xuống rất nhanh. Tính đến giữa tháng 3, lượng nước ở các hồ chứa chỉ còn trên 81 triệu m3. Trong đó, một số hồ lớn chủ lực như: Sông Sắt cũng chỉ còn 35,61 triệu m3; Sông Trâu còn 9,53 triệu m3; Tân Giang còn 4,23 triệu m3 và Lanh Ra còn 11,24 triệu m3... Căn cứ nguồn nước, hiện nay ngoài việc tập trung thực hiện phương án điều tiết nước hợp lý để chống hạn cho vụ đông – xuân, Công ty đã tham mưu cho Sở NN&PTNT trong vụ hè – thu tới chỉ thực hiện gieo trồng khoảng 18.500 ha, giảm gần 7.300 ha so với vụ đông – xuân.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, thời gian từ nay đến thu hoạch vụ đông – xuân chỉ còn chưa đầy một tháng, vì thế dự kiến sau khi nông dân thu hoạch xong mùa vụ, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiến hành đóng nước để nạo vét, tu sửa hệ thống kênh mương theo định kỳ nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất vụ hè - thu. Theo đó, các hệ thống kênh Nam, kênh Chàm, kênh Nam 2 đi qua địa bàn huyện Ninh Phước và kênh Tây, kênh Đông lịch đóng nước bắt đầu từ 15 đến 30-4. Hệ thống kênh Bắc, kênh dẫn Lâm Cấm, kênh Tấn Tài và Tân Hội đi qua Tp.Phan Rang – Tháp Chàm sẽ đóng nước từ ngày 25-4 đến 10-5. Đối với hệ thống các hồ chứa Sông Sắt (Bác Ái), Sông Trâu (Thuận Bắc) sẽ đóng nước từ 15 đến 30-4. Riêng hệ thống kênh mương thuộc hồ Tân Giang, Sông Biêu và các hồ nhỏ khác, Công ty sẽ có lịch đóng nước phù hợp theo từng địa bàn và có thông báo chi tiết với các địa phương.

Về công tác điều tiết nước để chống hạn cho vụ hè – thu, rút kinh nghiệm từ những năm trước, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi sẽ áp dụng theo hai phương án chính. Đối với hệ thống các hồ chứa sẽ duy trì biện pháp điều tiết tưới luân phiên (cấp nước theo từng phiên nước) phù hợp với lịch gieo trồng để giảm lượng nước bốc hơi mặt ruộng. Đối với hệ thống các đập dâng Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm sẽ áp dụng biện pháp tưới đồng thời (cấp nước liên tục thường xuyên) trên toàn hệ thống khi tiến hành gieo xạ và giai đoạn sinh trưởng của các loại cây trồng, nhằm ổn định nguồn nước cung cấp cho nông dân sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty còn đề nghị các địa phương: Thuận Nam, Ninh Hải và Thuận Bắc khuyến cáo bà con có diện tích hưởng lợi nguồn nước tưới từ các hồ: Tân Giang, Thành Sơn, Bà Râu và Sông Trâu hạn chế việc gieo trồng tự phát ngoài kế hoạch, để ổn định nguồn nước tưới. Riêng các địa phương có diện tích hưởng lợi từ các hệ thống hồ Cho Mo, Phước Trung, CK7, Bàu Ngứ, Suối Lớn, Phước Nhơn, Bàu Zôn và Tà Ranh thì tuyệt đối không để bà con sản xuất, bởi lượng nước còn lại rất thấp, nên chỉ ưu tiên cấp nước sinh hoạt và chăn nuôi, nếu khi nào thời tiết có mưa, căn cứ lượng nước thực tế của hồ, đơn vị sẽ phối hợp với UBND các huyện, xã có phương án chỉ đạo sản xuất cụ thể.

Ngoài các giải pháp nêu trên, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi còn áp dụng phương án dự phòng, đó là trong trường hợp khi nguồn nước Đa Nhim chỉ xả phát điện giảm còn dưới 10 m3/s (lượng xả hiện nay từ 18 - 25 m3/s), đơn vị sẽ tiến hành điều tiết nước luân phiên giữa các đập Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm hoặc giữa các cống lấy nước đầu kênh Tây, kênh Đông thuộc hệ thống Sông Pha và kênh Bắc, kênh Nam thuộc hệ thống Nha Trinh – Lâm Cấm để bổ sung vào hệ thống tưới. Nếu trường hợp việc điều tiết nước tăng cường vẫn chưa đảm bảo cho cao trình tưới tự chảy thì công ty sẽ chuyển sang hình thức tưới luân phiên trên các đập dâng và áp dụng giải pháp hỗ trợ khác, đó là đào ao tại các suối có nguồn nước ngầm để dùng máy bơm lên các tuyến kênh, nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng.