Phước Thành: Vụ mía đầu tiên cho hiệu quả kinh tế cao

(NTO) Là một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trên 96% là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Những năm trước đây xã Phước Thành (Bác Ái) có nhiều diện tích đất sản xuất phải bỏ hoang do không chủ động nước tưới và đất nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhờ chủ trương chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng mía góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân.

Cũng như nhiều hộ dân trong vùng, hộ ông Pur Pur Liệu, ở thôn Ma Rớ được Nhà nước hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất từ Chương trình 30a. Nhưng do không có vốn đầu tư lại không biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sau mấy vụ canh tác không hiệu quả ông đành bỏ đất hoang.

Nông dân xã Phước Thành thu hoạch vụ mía đầu tiên cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Được chính quyền xã vận động và tổ chức cho đi tham quan một số mô hình sản xuất, ông nhận thấy cây mía rất phù hợp để phát triển tại địa phương. Mặt khác, quá trình canh tác được Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang thực hiện cam kết đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm nên mạnh dạn trồng thử. Vượt xa cả sự mong đợi, cây mía phát triển nhanh, cho thu nhập khá.

Bên rẫy mía đang thu hoạch, ông Liễu vui vẻ tâm sự: Trồng cây mía không khó như mình nghĩ lúc ban đầu. Làm đất xong, thả hom mía xuống, lấp lại, đảm bảo độ ẩm, bón phân hợp lý thì mía phát triển tốt. Mình có 2 mẫu đất làm mía, mới vụ đầu nhưng chất lượng rất đạt. Trừ chi phí còn lãi trên 20 triệu/ha. So với trồng đậu và bắp thì trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Mình sẽ duy trì trồng cây mía và vận động thêm nhiều người cùng làm như mình. Phải mạnh dạn, rán làm chứ để đất trống uổng lắm.

Tại xã Phước Thành, không riêng hộ ông Liệu cây mía đã cho thu hoạch vụ đầu, mà toàn xã hiện có hơn 20 ha mía đã cho thu hoạch, với năng suất đều đạt trên 80 tấn/ha. Với giá thu mua tại ruộng 850 ngàn đồng/tấn, trung bình mỗi ha, sau khi trừ chi phí người nông dân có lãi từ 20-30 triệu đồng. Cá biệt có một số hộ như Pi-Năng Hinh, Pi-Năng Chủng mía đạt chất lượng nên được công ty chọn mua lấy hom làm giống, cung ứng cho vụ sản xuất mới. Với giá thu mua cao (1.500 đồng/cây), chính vì vậy, sau khi trừ chi phí mỗi sào cho lãi từ 3 – 4 triệu đồng.

Anh Trần Bá Quốc Trường, Cán bộ nông vụ địa bàn Công ty Mía đường Khánh Hòa cho biết: Năng suất mía ở địa bàn xã Phước Thành năm nay cao nhất huyện Bác Ái, trung bình đạt trên 80 tấn/ha. Để hỗ trợ nông dân sản xuất cây mía đạt hiệu quả, nhà máy đã chủ động hỗ trợ làm đất, thuê công trồng, bơm thuốc cỏ, bỏ phân cho các hộ nông dân. Định kỳ phân công cán bộ kỹ thuật đi thăm từng diện tích canh tác. Đến kỳ thu mua, Nhà máy bao tiêu sản phẩm, thu lại số tiền đầu tư và thanh toán toàn bộ tiền lãi cho người dân.

Trong vụ mía đầu tiên này, xã đã vận động được 35 hộ dân (phân bổ đều trong 4 thôn) tham gia trồng mía với diện tích 55 ha. Đến nay, hầu hết diện tích đều cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Theo cán bộ nông nghiệp xã Phước Thành, cây mía có đặc điểm xuống giống 1 lần cho thu hoạch được từ 3-4 năm mới phải trồng lại. Chính vì vậy, với việc các chi phí đầu tư, nhân công giảm thì trong vụ tới thu nhập từ cây mía của người dân sẽ tăng lên.

Đồng chí Đậu Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành cho biết: Từ hiệu quả của việc chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng mía, Đảng ủy xã Phước Thành đã xây dựng Nghị quyết về phát triển cây mía. Theo đó sẽ tiếp tục vận động người dân địa phương tham gia, mở rộng diện tích canh tác lên 100 ha. Phân công mỗi cán bộ công chức gắn với 1 hộ nghèo để giúp dân vươn lên thoát nghèo; nâng cao về nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân gắn với việc tranh thủ được sự hỗ trợ của nhà nước từ Chương trình 30a.