Phát triển xe buýt - bài toán khó với doanh nghiệp

(NTO) Xe buýt là phương tiện công cộng được khuyến khích sử dụng như một giải pháp mang tính văn minh, hiện đại, góp phần giảm thiểu lưu lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Thế nhưng, tại tỉnh ta, người dân không còn “mặn mà” với xe buýt như trước và doanh nghiệp thì đang dần “đuối” trong việc nâng cao chất lượng cũng như cạnh tranh với các phương tiện khác.

Người dân hết “mê”

Đa số hành khách chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển thuộc nhóm đối tượng học sinh, sinh viên,… Đi xe buýt mang lại nhiều tiện lợi, đảm bảo an toàn, đỡ mệt khi phải di chuyển đoạn đường xa, lại tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, lượng khách “ruột” của xe buýt đã không còn nhiều như trước đây.

Xe buýt là phương tiện công cộng được khuyến khích sử dụng và hỗ trợ phát triển.

Em Lê Thị Thanh Trâm, học sinh lớp 10C3, trường THPT Lê Duẩn (Ninh Sơn) cho biết: “Đi xe buýt rất tiện lợi và đỡ mệt, đường bây giờ cũng tốt hơn trước. Tuy nhiên, đoạn đường chúng em đi nằm giữa tuyến nên thời gian xe đến không cố định, lúc sớm lúc muộn, em thường phải đợi xe từ 11h45’, có khi đợi cả tiếng đồng hồ mới có xe, bị trễ học. Nhiều bạn đã được gia đình sắm sửa xe đạp điện để đi học nên số lượng học sinh đi xe buýt ít hơn trước. Giá vé tập (50 vé/tập) cho học sinh ngày trước chỉ có 125.000 đồng nhưng nay đã lên 175.000 đồng.”

Bạn Huỳnh Thị Thùy Dung (Ninh Sơn), một người khá gắn bó với xe buýt, cũng phàn nàn: “Nhiều khi xe buýt chở hàng đi kèm theo hành khách nhưng lại không sắp xếp gọn gàng, khiến việc lên xuống xe gặp khó khăn.”

Toàn tỉnh hiện có 4 tuyến xe buýt/16 chiếc. Trong đó, tuyến Phan Rang – Sông Pha có 8 chiếc, mỗi chiếc chạy 6 lượt/ngày, thời gian giãn cách 30 phút; tuyến Phan Rang – Cà Ná có 4 chiếc, mỗi chiếc chạy 9 lượt/ngày, thời gian dãn cách 40 phút; tuyến Phan Rang – Vĩnh Hy có 3 chiếc, mỗi chiếc chạy 7 lượt/ngày, thời gian dãn cách 50 phút; tuyến Phan Rang – Sơn Hải có 1 chiếc, chạy 10 lượt/ngày, thời gian dãn cách 60 phút. Các xe này mặc dù vẫn đảm bảo an toàn lưu thông theo quy định, thực hiện đăng kiểm định kỳ nhưng “nội thất” của một số xe đã cũ, đệm ghế ngồi bị rách, cửa kính có vết rạn nứt,… Trong khi đó, trước sức ép của giá cả nhiên liệu và các khoản chi phí “đầu vào” tăng cao, phía Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát buộc phải tăng giá vé xe buýt, từ 2.000 đến 3.000 đồng mỗi mức cự ly. Theo đó, từ đầu năm 2013, vé cự ly dưới 10 Km có giá 9.000 đồng, từ 11 – 20 Km giá 12.000 đồng/vé, từ 21 – 30 Km giá 15.000 đồng/vé, từ 31 – 40 Km có giá 15.000 đồng/vé và giá vé suốt tuyến là 22.000 đồng. Các xe vận chuyển hành khách tuyến cố định chạy qua địa bàn tỉnh ta cũng đưa ra mức giá “cạnh tranh”, chênh lệch không nhiều so với xe buýt nên khách đi xe buýt đôi khi cũng “bắt” các xe ô tô khách khác. Đây cũng là một yếu tố khiến lượng người đi xe buýt sụt giảm thời gian gần đây.

 Doanh nghiệp “đuối”?

Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát là đơn vị được UBND tỉnh cấp phép đầu tư phát triển phương tiện xe buýt trên địa bàn tỉnh và được khai thác độc quyền trong 7 năm (2007-2014) và tiếp tục khai thác cạnh tranh trong 20 năm. Theo ông Huỳnh Hoài Văn, Phó Giám đốc Công ty, kết quả kiểm toán 2 năm 2011 và 2012, đơn vị đã thua lỗ gần 600 triệu đồng. Hiện phía ngân hàng đã thu hồi 6 chiếc xe buýt và rao bán vì Công ty chưa thể trả khoản nợ vay.

Là phương tiện “chiến lược” trong hệ thống giao thông, tỉnh ta luôn quan tâm hỗ trợ bằng nhiều cách để thúc đẩy xe buýt hoạt động hiệu quả, thu hút người dân di chuyển bằng phương tiện này. Ngoài các chế độ ưu đãi theo quy định về thuế, các bến đỗ, trạm dừng đón trả khách,… xe buýt Lộc Phát được UBND hỗ trợ giá vé cho đối tượng học sinh, sinh viên từ tháng 9-2009, với mức 50.000 đồng/tập 50 vé. Theo cam kết, phía Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát cũng phải hỗ trợ 45.000 đồng/tập vé cho đối tượng này. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh, sinh viên chỉ phải trả 80.000 đồng cho mỗi tập vé có giá niêm yết 175.000 đồng. Tuy nhiên, từ tháng 4/2011 đến tháng 3/2013, đơn vị đã ngưng phần hỗ trợ theo cam kết ban đầu của mình (với lý do giá nhiên liệu tăng, đường sá xấu, phương tiện hư hỏng nhiều), bán vé cho học sinh, sinh viên với giá 125.000 đồng/tập. Sau sự việc này, UBND tỉnh đã tạm ngưng hỗ trợ giá vé học sinh, sinh viên từ tháng 4/2013 để nghiên cứu, tìm phương án giải quyết.

Theo ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và con người (Sở Giao thông vận tải): Sở đã yêu cầu Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát xây dựng phương án hỗ trợ giá cho đối tượng học sinh, sinh viên để các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ giá vé tập cho học sinh, sinh viên để khuyến khích các em sử dụng phương tiện này, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Đồng thời, phía Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát cũng phải cam kết củng cố, đầu tư bổ sung, nâng cao chất lượng phương tiện xe buýt để phục vụ tốt hơn cho người dân, cũng là tăng sức cạnh tranh với các phương tiện giao thông khác. Việc phát triển phương tiện xe buýt là hướng đi xuyên suốt của tỉnh ta, nếu năng lực của doanh nghiệp không đủ, chắc chắn sẽ phải tổ chức đấu thầu lại hoặc xây dựng một cơ chế hỗ trợ khác phù hợp và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.