Tổ chức lại nghề cá để tàu thuyền vươn ra khơi xa

(NTO) Trong những ngày này, cùng với tin vui ngư dân tỉnh nhà trúng đậm mùa cá, chúng tôi có dịp trao đổi với chị Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013 – 2020”. Theo tâm sự của chị, ý tưởng xây dựng Đề án này đã có từ năm 2009 nhưng vì nhiều lý do, phải đến năm 2013 mới thực hiện được. Đối với những người làm công tác trong ngành Thủy sản, Đề án đã phản ảnh tâm huyết và sự nỗ lực bấy lâu nay.

 
Đóng mới tàu thuyền ở làng biển Cà Ná , Thuận Nam. Ảnh: V. Miên

Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.680 tàu cá với tổng công suất khoảng gần 245.000 CV, riêng tàu cá từ 90 CV trở lên đã chiếm trên 30% số tàu thuyền và trên 80% tổng công suất, trong đó tàu từ 90 CV đến dưới 250 CV có gần 400 chiếc và từ 250 CV trở lên có khoảng 250 chiếc. Nhìn vào năng lực tàu cá trong tỉnh, có thể nói ngư dân đang có xu hướng đóng mới, mua sắm tàu thuyền công suất lớn. Tuy nhiên điều đáng phàn nàn là bên cạnh đó, tàu cá nhỏ dưới 20 CV vẫn còn trên 1.200 chiếc, từ 20 CV đến dưới 50 CV có 430 chiếc, từ 50CV đến dưới 90 CV có 225 chiếc. Kỹ sư Đặng Văn Tín, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh lưu ý: “Con số trên không chỉ phản ảnh thực trạng năng lực tàu cá trong tỉnh mà còn là dấu hiệu cảnh báo về mối đe dọa môi trường và nguồn lợi thủy sản, đồng thời cũng đặt ra bài toán nan giải về vấn đề xã hội”. Đã vậy đối với tàu lớn, dù có công suất mỗi chiếc từ 90 CV đến hơn 400 CV nhưng loay hoay cũng chỉ là nghề pha xúc, vây rút mùng, lưới rê chuyên khai thác cá nổi, nhất là nghề pha xúc đánh bắt cá cơm chiếm đa số. Điều này cho thấy cơ cấu thuyền nghề tỉnh ta gắn chặt với ngư trường truyền thống gần bờ.

Tổ đoàn kết khai thác của tôi có 6 chiếc tàu công suất từ 320 đến 450 CV, chuyên đánh cá cơm bằng nghề pha xúc. Vừa qua nghe nói có Đề án tổ chức lại nghề cá, tôi rất phấn khởi và sẵn sàng thực hiện theo hướng phát triển mới.
Anh Nguyễn Văn Bông (xã Phước Diêm, Thuận Nam)

Nhìn thực trạng nghề cá tỉnh ta, có thể nói việc HĐND tỉnh thông qua Đề án đã tạo ra làn gió mới cho ngành Thủy sản. Đề án đã chỉ rõ mục tiêu tổ chức lại nghề cá ven bờ và phát triển khai thác hải sản xa bờ một cách hợp lý theo hướng tăng nhanh tàu cá công suất lớn, giảm mạnh tàu cá có công suất nhỏ và thay đổi cơ cấu nghề theo hướng phát triển các nghề khai thác được hải sản có giá trị kinh tế cao; trong đó có việc ổn định khai thác tại vùng biển ven bờ, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường, nguồn lợi sinh vật biển và kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Theo Đề án, từ nay đến năm 2020 cơ bản tỉnh ta hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường và kiểm soát được hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư ven biển, hướng đến nghề cá hiện đại, có trách nhiệm và bền vững. Cụ thể phấn đấu có trên 80% số tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên (khoảng trên 600 tàu) hoạt động đúng vùng khai thác theo quy định (vùng khơi), trong đó đội tàu thực hiện khai thác tại các vùng biển xa đạt 20 chiếc; với 70-75% số tàu là thành viên các tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.

 
Nhộn nhịp mùa cá ở cảng Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Theo chị Bùi Thị Anh Vân, việc thông qua Đề án là khẳng định một lần nữa giá trị đóng góp GDP tỉnh nhà của lĩnh vực khai thác hải sản. Thực tế tính toán, một lao động nghề cá bình quân đóng góp vào GDP cao hơn gấp 2,5 lần lao động các ngành nghề khác. Vì vậy để phát triển tiềm năng, có đóng góp xứng đáng hơn, Đề án phấn đấu đưa tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 50% tổng số lao động trên tàu cá; từng bước tổ chức hợp tác sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín từ cung ứng hậu cần, khai thác, vận chuyển đến thu mua, chế biến, tiêu thụ theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần trên ngư trường; tổ chức thành lập được từ 1-2 nghiệp đoàn nghề cá từ các tổ đoàn kết, hợp tác xã khai thác xa bờ và biển xa. Ông Trần Chiêm, ngư dân phường Mỹ Đông (Phan Rang-Tháp Chàm) có 11 tàu cá công suất 300-400CV/chiếc chuyên hành nghề lưới rê vùng biển xa chia sẻ: “Tôi đang kỳ vọng Đề án sẽ giúp nghề cá tỉnh ta theo kịp các tỉnh bạn và hải sản đánh bắt được ngày càng có giá trị kinh tế cao hơn”.

Thực ra để Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013 – 2020” đi vào thực tiễn, còn rất nhiều việc phải làm và cần có một lộ trình cho từng giai đoạn cụ thể. Hiện nay ngành NN&PTNT đang tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản, quyết định cá biệt cho từng dự án, đề tài triển khai thực hiện. Trong đó quan trọng là phân cấp quản lý tàu cá dưới 20 CV và vùng nước ven bờ; vận động ngư dân chuyển đổi nghề khai thác có giá trị kinh tế cao và hỗ trợ đóng mới 2 tàu dịch vụ hậu cần trên biển với tổng công suất máy chính trên 500 CV. Tóm lại, một khi Đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nghề khai thác hải sản phát triển theo hướng vươn khơi, tăng nhanh tỷ trọng hải sản có giá trị xuất khẩu, đóng góp xứng đáng hơn vào quá trình phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà.