Nâng cao thương hiệu Nông sản Ninh Thuận

(NTO) Đến thời điểm này, tỉnh ta có 3 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ đó là: Chỉ dẫn địa lý Nho Ninh Thuận và Nhãn hiệu hàng hóa Táo Ninh Thuận, Tỏi Phan Rang.

Đây là tin vui đến với nông dân khi sản phẩm làm ra sẽ được nâng cao tầm giá trị trên thị trường trong nước. Thành công này có vai trò đóng góp tích cực của Hội Nông dân tỉnh trong công tác phối hợp với ngành chức năng để từng bước đưa mặt hàng nông sản của tỉnh ta có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh nhà.

Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa

Hiện nay, ở tỉnh ta cây táo có trên 1.100 ha, với sản lượng đạt khoảng 38.000 tấn/ năm. Đây là diện tích và sản lượng thu hoạch về cây táo được xếp vào hạng cao nhất nước. Táo được trồng chủ yếu ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Với đặc tính sinh trưởng nhanh, thời gian khai thác lâu năm, cây táo đang chiếm vị trí quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của các địa phương, được nhiều nông hộ mạnh đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với cây tỏi, tổng diện tích cả tỉnh khoảng 216 ha, với sản lượng 1.580 tấn/năm. Tỏi được trồng chủ yếu ở Ninh Hải (chiếm 50% diện tích) còn lại ở Tp.Phan Rang-Tháp Chàm và Thuận Bắc. Tỏi là cây trồng truyền thống của nông dân trong tỉnh đã được người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến từ rất lâu.

 
Niềm vui của nông dân khi sản phẩm Nho được chứng nhận bảo hộ "Chỉ dẫn địa lý Nho Ninh Thuận"
góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.  Ảnh: Minh Quốc
Với điều kiện tự nhiên quanh năm nắng nóng như ở tỉnh ta, hai sản phẩm táo và tỏi cho chất lượng khác biệt, tạo nên cái riêng không thể pha lẫn với bất cứ sản phẩm cùng loại trồng ở các tỉnh khác, hay nói khác hơn là mang tính đặc thù của Ninh Thuận.

Một thực tế lâu nay ở tỉnh ta là mặc dù trái táo và củ tỏi đã tạo được sự chú ý, tin tưởng của người tiêu dùng nhưng sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái, vì vậy chưa mang lại đúng giá trị đích thực, người sản xuất bị thiệt thòi. Xuất phát từ nhu cầu nâng cao chất lượng và uy tín của sản phẩm táo và tỏi Ninh Thuận trên thị trường, tăng thu nhập cho nông dân, được sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm táo và tỏi. Thành công trong việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa táo và tỏi là cơ sở để Hội tiếp tục đăng ký xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm khác mang tính đặc thù của địa phương. Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã luôn đồng hành cùng nông dân thông qua các chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm; phối hợp chuyển giao khoa học-kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng. Điển hình là mô hình tưới nước tiết kiệm đã chuyển giao đến trên 1.300 hộ nông dân, với diện tích tưới 300 ha. Đối với cây tỏi, mô hình này được người dân sử dụng đạt hiệu quả rất cao trong việc tưới nước rửa sương mù và hạn chế sâu bệnh phát sinh trong quá trình cây tỏi sinh trưởng. Từ nguồn quỹ của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề trồng táo cho 30 nông hộ ở Câu lạc bộ Trồng táo Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải (Ninh Hải); hỗ trợ vốn vay cho 40 hộ trong Câu lạc bộ, với nguồn vốn 600 triệu đồng để đầu tư phát triển cây táo. Với quy trình canh tác khoa học, hiện nay táo của các thành viên Câu lạc bộ cho năng suất 60 tấn/ha/năm. Cuối năm 2013, Hội Nông dân tỉnh đã đề cử 3 sản phẩm nông sản: nho, táo, tỏi của tỉnh ta tham gia Chương trình “Bình chọn sản phẩm nông nghiệp biểu biểu Việt Nam năm 2014” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Đẩy mạnh ứng dụng kH-KT vào sản xuất

Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho sản phẩm nông sản mục đích cuối cùng chính là nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường, tạo ra hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Để đạt được mục tiêu này nông dân phải thay đổi phương pháp canh tác cũ, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để làm ra các sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Những năm gần đây, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, tỉnh ta đã xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất, trên cơ sở đó đẩy mạnh chuyển giao cho nông dân các mô hình sản xuất mới theo hướng an toàn cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Đối với cây táo, đã quy hoạch vùng trồng táo an toàn và triển khai các dự án trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 47,2 ha, cho 75 hộ ở Ninh Phước, Ninh Sơn và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Cây tỏi đã có 51 ha (chiếm gần 50% diện tích cả tỉnh) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, ở các xã Văn Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm), Nhơn Hải, Thanh Hải (Ninh Hải).

Mùa thu hoạch tỏi của nông dân phường Mỹ Bình, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm.
Ảnh: Sơn Ngọc

Để phát triển nhãn hiệu táo và tỏi, trong thời gian tới, Hội Nông tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa. Tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện việc xây dựng, sử dụng và phát triển nhãn hiệu táo, tỏi. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm nội bộ, ngoại vi, quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Nghiên cứu thị trường, ngành hàng và xây dựng hệ thống thương mại cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, tạo uy tín đối với người tiêu dùng. Phát huy vai trò liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) nhằm khép kín quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa, đảm bảo sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng có chất lượng cao nhất.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt,

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh:

Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho 2 sản phẩm nông sản của tỉnh chỉ là thành công bước đầu, khó nhất là bảo vệ và phát triển nhãn hiệu sau này. Bởi đây là nhãn hiệu tập thể dùng chung cho tất cả nông dân nếu không có sự ràng buộc, gắn kết trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến việc làm dụng nhãn hiệu, gây hậu quả xấu cho nhãn hiệu nông sản của tỉnh. Trong thời gian đến, cùng với nhiệm vụ hoàn thành các cơ cở pháp lý triển khai sử dụng và quản lý nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm nói trên, Hội sẽ tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh chuyển giao khoa học-kỹ thuật trong sản xuất cho nông dân; kết nối với doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, đặc biệt chú ý đến chế biến sản phẩm sau thu hoạch để tạo ra giá trị cao nhất cho nông dân. Phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm táo, tỏi ra thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Văn Thành,

Phường Văn Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm:

Là nông dân trồng táo xanh ở vùng đất đang phát triển mô hình liên kết, hợp tác trồng táo, tôi rất phấn khởi trước thông tin công bố nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”. Theo kinh nghiệm của tôi, cây táo trồng ở tỉnh ta cho thu nhập cao, được giá, dễ tiêu thụ và dễ chăm sóc. Từ lâu tôi đã canh tác theo hướng trồng thưa, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên vườn táo đã cho trái to hơn các vườn táo khác tại địa phương. Nhìn chung, táo Ninh Thuận giòn, ngọt và thơm ngon, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, tôi rất ủng hộ việc ứng dụng công nghệ trồng táo sạch, đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá sản phẩm táo Ninh Thuận. Tôi hy vọng từ nhãn hiệu tập thể này sẽ tiến lên xây dựng thương hiệu táo Ninh Thuận, nhằm đạt mục tiêu tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh.

Ông Đặng Thông,

Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hành, tỏi Khánh Tân:

Những năm trước đây, tỏi ở Khánh Tân bị cạnh tranh gay gắt về giá do tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan về. Nhưng 2 năm vừa qua, nhờ sự liên kết hợp tác đã giúp giải quyết, khắc phục tình trạng nông dân thiếu vốn sản xuất hoặc bị tư thương ép giá. Nay với việc công bố nhãn hiệu tập thể “Tỏi Phan Rang”, tôi nghĩ đây là cơ hội làm ăn mới cho nông dân Khánh Tân, giúp đánh thức tiềm năng của vùng đất pha cát và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm tỏi. Hiện nay, qua liên kết với doanh nghiệp và dựa vào HTX Mỹ Khánh, Khánh Tân đang đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá cho tỏi và mở ra triển vọng mới trong việc tạo dựng thương hiệu tỏi trồng ở địa phương.