Về sự thống nhất giữa chính trị, văn hóa và đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những tư tưởng của Người không chỉ là hiện thân khát vọng của dân tộc mà còn mang ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những tư tưởng của Người không chỉ là hiện thân khát vọng của dân tộc mà còn mang ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc.

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và chính Người đã trở thành biểu tượng văn hoá, được nhận thức theo nghĩa rộng nhất của từ này hay trong sự thống nhất giữa văn hoá, chính trị và đạo đức. Biểu hiện và sự khẳng định này không chỉ dựa trên lời nói hay các tác phẩm của Người để lại, mà trước hết là ở hoạt động thực tiễn sinh động, đầy sáng tạo của Người, ở sự đóng góp to lớn của Người trong việc xóa ách nô lệ phong kiến và thực dân hàng ngàn năm, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó là chính trị, là văn hoá và cũng là đạo đức.

Theo Người, không có thứ chính trị trừu tượng, chung chung, mà “chính trị” bao gồm: Các giai cấp, nhà nước, là lợi ích kinh tế, là quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân; là Đảng chính trị, là quan hệ quốc tế...

Hình ảnh Bác Hồ đang sử dụng máy cày ở khu ruộng của
Sở Nông Lâm, Hà Nội, tháng 7/1960. Ảnh: TL

Còn văn hoá là biểu hiện bản chất của con người. Văn hoá ở trong chính trị, không tách rời chính trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá là biểu hiện tập trung và mang đậm chất nhân văn Hồ Chí Minh, là thấm nhuần sâu sắc tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin với tinh hoa truyền thống dân tộc Việt Nam và của nhân loại nói chung.

Tư tưởng về đạo đức và đạo đức Hồ Chí Minh cũng là những giá trị văn hoá đích thực, là đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức là những phẩm chất đòi hỏi con người cần phải có để tham gia vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đạo đức là cái gốc, là nền tảng, bởi vì muốn làm cách mạng thì con người phải có cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp. Có cái "đức" để đi đến cái "trí", khi có "trí" thì "đức" chính là cái bảo đảm để “giữ vững chủ nghĩa”.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả cuộc đời Người là tấm gương sáng, mẫu mực về triết lý sống và làm người. Trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử cụ thể nào, Người cũng chỉ tâm niệm làm cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Chính vì vậy, nói đến văn hoá, chính trị, đạo đức trong tư tưởng của Người cũng là nhất quán và không ngoài mục đích cao đẹp nói trên.

Theo Người, văn hoá, văn nghệ không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi; văn hoá mà Bác đề cập đến có cả văn hoá chính trị, văn hoá đạo đức, đó đều là những thành tố vô cùng quan trọng; chứa đựng những giá trị chuẩn mực được hình thành trong thực tiễn đấu tranh chính trị, thực tiễn và triết lý đạo đức của dân tộc ta, của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, của sự trải nghiệm thực tiễn chính bản thân Người. Nhiệm vụ “soi đường cho quốc dân đi” không chỉ ở chỗ, văn hoá góp phần nâng cao dân trí, mà còn vì cần làm cho nhân dân tự ý thức được sức mạnh của mình; vị trí, vai trò của mình trong công cuộc “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Nhân dân phải biết rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, phải dám nghĩ, dám làm, dám đánh, biết đánh và phải thắng... Ở một mức độ tập trung hơn, tinh túy hơn, “soi đường cho quốc dân đi” thuộc về vai trò của chính trị mà trước hết là sự hoạch định đường lối chiến lược, sách lược một cách đúng đắn, phản ánh được lợi ích, nguyện vọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sự hoạch định sao cho, nếu nhân dân có thể tự làm thì họ cũng có thể lựa chọn như thế. Đó là “Ý Đảng - Lòng dân”. Toàn dân thống nhất một ý chí. Khi đó, Đảng thật sự là lương tâm, trí tuệ của thời đại, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân và toàn dân tộc, là đội tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.

Để đạt được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần có “cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp” để “tìm đến cái trí”, xác định được “chủ nghĩa”, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động Đảng. Việc sử dụng “cái trí” đó không vì mục đích cá nhân “vinh thân phì gia” mà để “tham gia vào cuộc đấu tranh cho nền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Những phẩm chất của những người Cộng sản Việt Nam được chính Người khái quát, đề cập đến trong lời chào mừng buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam năm 1951, là kết tinh đẹp đẽ, trong sáng nhất của phẩm chất ấy: "Các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng". Ở họ, phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị và văn hoá là giữ vững lòng trung thành với lý tưởng, với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân, là tận trung với nước, là tận hiếu với dân; là biết “thương yêu cha mẹ mình, còn phải biết thương yêu cha mẹ người và làm cho tất cả mọi người đều biết thương yêu cha mẹ”. Rõ ràng đây là sự thống nhất cao giữa chính trị, văn hoá và đạo đức, bởi chính trị là số phận của triệu triệu quần chúng, là sự nghiệp do chính quần chúng làm nên, văn hoá là biểu hiện bản chất của con người, còn đạo đức ở đây chính là sự cống hiến vì hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không đồng nhất chính trị với văn hoá và đạo đức, nhưng rõ ràng, theo Người, chính trị, văn hoá với đạo đức; văn hoá, đạo đức với chính trị là không tách rời một cách cô lập mà thống nhất với nhau, có sự “chồng lấn”, “giao thoa” với nhau. Và suy cho đến cùng, biểu hiện tập trung, cô đọng nhất là vì con người, là làm người, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Chính vì vậy, cả cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh là hiện thân của sự gắn bó, kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa chính trị, văn hoá và đạo đức, giữa lẽ sống đạo đức, văn hoá làm người với lý tưởng chính trị. Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin và trong truyền thống dân tộc sự hài hòa ấy. Trong một bức thư “Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới” (tháng 11/1946), với một tình thương bao la của chủ nghĩa nhân văn và với một ý thức chính trị rạch ròi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Tôi nghiêng mình trước vong hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”.

Bất cứ lúc nào, giai đoạn nào, Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các thế hệ Việt Nam, đồng thời luôn chăm lo đến đời sống, đến hạnh phúc của nhân dân. Người dạy: Để cho dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; để cho dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; để cho dân ốm đau, dân không được học hành là Đảng và Chính phủ có lỗi. Khi Đảng ta là đảng cầm quyền thì điều đó vừa là tư tưởng, văn hoá, vừa là hành vi đạo đức, vừa là chính trị. Chính vì vậy, tập trung vào công việc tổ chức, xây dựng và quản lý đất nước, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi người dân phải trở thành lẽ sống và hành động của mỗi người Cộng sản.

Ngày nay, xã hội ta đang vận động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều yếu tố tác động, cả tích cực và tiêu cực. Trong điều kiện kinh tế - xã hội đó, nếu không có chính trị, nền tảng văn hoá vững vàng, không có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng thì sẽ rất dễ bị sa ngã. Trên thực tế có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả người có chức quyền đã sa sút về chính trị, đạo đức, muốn vinh thân, chạy theo lối sống vật chất tầm thường. Biểu hiện cụ thể của tình trạng nói trên là cán bộ, đảng viên “nói nhiều, làm ít”, “chỉ nói mà không làm”, “nói một đằng, làm một nẻo”, là quan liêu, cửa quyền, tham ô lãng phí, là thiếu trách nhiệm với nhân dân. Những biểu hiện nói trên là trái với bản chất của giai cấp công nhân, trái với tính Đảng; là sự suy thoái về đạo đức, lối sống và đi liền với nó là sự mất văn hoá... và lẽ đương nhiên, không tránh khỏi làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân.

Chính vì vậy, đổi mới tư duy, đặt đúng vị trí của việc rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị và tạo nền văn hoá trong cấu trúc nhân cách của cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hiện nay là việc làm quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đối với cán bộ, đảng viên trong bộ máy Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là người giữ những cương vị cao, chủ chốt thì càng phải chăm lo, rèn luyện về đạo đức, lối sống cùng với trau dồi nhận thức, ý thức về bản chất giai cấp công nhân về chính trị, về văn hoá Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần có sự thống nhất ngay trong bản thân mình ý thức chính trị, văn hoá và đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm phương châm sống và rèn luyện. Sự thiếu quan tâm hoặc lệch lạc trong nhận thức, coi nhẹ một yếu tố nào đều có thể dẫn đến những tác hại khôn lường. Để giữ được sự thống nhất về chính trị, văn hoá và đạo đức trong bản thân mỗi con người thì ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của tổ chức cần phải để dân chúng giúp đỡ, kiểm soát và giám sát, bởi lẽ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chúng có trăm tay ngàn mắt.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam