Khởi sắc trên vùng đất Ma Oai

(NTO) Đến khu tái định cư thôn Ma Oai, xã Phước Thắng (Bác Ái) hôm nay, chúng tôi ghi nhận được chuyển biến mới về sản xuất và đời sống của người dân nơi đây.

Năm 2006, sau khi di dời 234 hộ dân từ lòng hồ Sông Sắt về Khu tái định cư thôn Ma Oai, UBND xã Phước Thắng đã bàn giao gần 67 ha đất sản xuất cho các hộ canh tác. Tuy nhiên, các hộ gia đình đồng loạt bỏ hoang đất gần 7 năm qua vì tình trạng thiếu nước, đất cằn cỗi, sản xuất không mang lại hiệu quả. Trước thực trạng đó, tháng 9-2013, huyện Bác Ái đã thực hiện công tác khai hoang phục hóa, cử lực lượng đoàn viên-thanh niên ra quân giúp người dân đắp bờ, ngăn thửa, nạo vét hệ thống kênh, mương nội đồng. Sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay bà con đã bắt đầu quay trở lại sản xuất. Trong tổng số 67 ha được đắp bờ, ngăn thửa thì 7 ha lúa đang trong thời kỳ phát triển, 20 ha đang cơ giới hóa khâu làm đất và xuống giống. Không chỉ giúp bà con cải tạo, phục hóa đất sản xuất, UBND huyện còn dành nguồn kinh phí trên 700 triệu đồng để hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu…giúp người dân thực hiện mô hình canh tác lúa nước.

Hệ thống kênh mương xã Phước Thắng được nâng cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: CTV

Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Huyện thường xuyên đi kiểm tra định kỳ hằng tuần, theo dõi và động viên bà con yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cũng chỉ đạo cho Phòng Nông nghiệp, chính quyền xã Phước Thắng, nhất là đội ngũ cán bộ khuyến nông bám đồng hướng dẫn cho người dân kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc, kịp thời nắm bắt tình hình, tránh tình trạng thiếu nước, sâu bệnh gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của bà con. Theo kế hoạch của xã Phước Thắng, phấn đấu trong vụ đông-xuân xuống giống khoảng 27 ha lúa và đến vụ mùa 2014 hoàn thành 40 ha ruộng bậc thang còn lại. Để giúp người dân nắm vững kỹ thuật canh tác lúa nước, Bác Ái vừa tổ chức khai giảng lớp học nghề trồng lúa nước cho 35 nông dân ở xã Phước Thắng.

Mùa xuân lại về trên đất Ma Oai. Cánh đồng bỏ hoang ngày nào giờ đã thay bằng màu xanh của cây trồng. Để có được thành tựu đó là cả một quá trình phấn đấu, quyết tâm của huyện Bác Ái từ ra quân giúp sức, đến làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con bám đồng. Đến nay, Khu tái định cư thôn Ma Oai đã có gần 100 hộ gia đình yên tâm quay lại khu sản xuất. Chị Chamaléa Thị Bé-một trong những hộ có đất tại khu sản xuất chia sẻ: Gia đình chúng tôi rất vui, biết ơn Đảng và Nhà nước đã động viên, tạo điều kiện giúp đỡ. Vợ chồng tôi quyết định không quay về làng cũ nữa, bám đất sản xuất, phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống lâu dài.