Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên toàn tỉnh có 110 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, trong đó có 3 cơ sở trực tiếp sản xuất các loại phân bón hữu cơ sinh học và hữu cơ vi sinh. Riêng các cơ sở kinh doanh, phần lớn là doanh nghiệp, nhà phân phối, đại lý cấp 1 có quy mô tương đối lớn, mạng lưới trải rộng trên địa bàn 7 huyện, thành phố.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước Thắng (Bác Ái) là đơn vị kinh doanh có uy tín,
cung cấp phân bón đảm bảo chất lượng cho nông dân sản xuất.
Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với ngành chức năng tiến hành kiểm tra, lấy 25 mẫu phân bón ở 18 cơ sở kinh doanh để kiểm định thì có tới 9 mẫu, của 9 cơ sở không đạt yêu cầu về chất lượng. Cụ thể, Đại lý Phân bón Thạch (số 27-Nguyễn Văn Cừ, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) vi phạm về phân bón phức hợp cao cấp Hoa Kỳ 1-2- 3 Premix, bị xử phạt 55 triệu đồng; Công ty TNHH TM&DV Tân Lợi vi phạm về chất lượng phân bón trái gốc Bioking-K, bị xử phạt 55 triệu đồng; Doanh nghiệp TNDVTM&PT miền núi Mạnh Xuân (dân phố 1, phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) vi phạm về chất lượng phân bón cao cấp 30-1-17SiO2, bị phạt 55 triệu đồng… Có doanh nghiệp vi phạm cả về chất lượng lẫn đo lường như Công ty TNHH TM&DV Bình Hương (345-Ngô Gia Tự, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Qua kiểm tra, nổi lên vấn đề đáng lo ngại đó là tất cả những mẫu phân bón kém chất lượng đều có kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và ghi nhãn hàng hóa theo đúng quy định. Do sản xuất phân bón giả ngày càng tinh vi, nên bằng mắt thường rất khó phát hiện. Nhiều nông dân than phiền không ít loại phân bón kém chất lượng đã bị các đối tượng trà trộn với phân bón thật đưa đi tiêu thụ. Bằng các hình thức tiếp thị tận đồng ruộng, giá bán thấp hơn so với phân bón cùng chủng loại, khiến nhiều nông dân mua nhầm phân bón kém chất lượng. Chị Võ Thị Thêm (ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, Ninh Hải), cho biết, vụ đông-xuân vừa qua, chị mua loại phân bón cao cấp NPK HS999 về bón ruộng. Mặc dù đã lựa chọn rất kỹ, lấy mẫu so sánh nhưng vẫn bị nhầm, khi thu hoạch năng suất lúa thấp hơn so với vụ trước đó. Biết là mua phải phân bón kém chất lượng, nhưng đành phải chịu vì các đại lý đều đổ lỗi cho nhà sản xuất.
Kinh doanh phân bón kém chất lượng không những gây thiệt hại cho nông dân mà còn ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính. Anh Nguyễn Trọng Kha, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước Thắng (Bác Ái), cho biết: Ngoài việc cung cấp vật tư nông nghiệp, HTX còn làm nhiệm vụ chuyển giao khoa học-kỹ thuật để thúc đẩy sản xuất. HTX liên kết với Công ty Phân bón Năm Sao mỗi vụ nhập khoảng 80 tấn phân bón đảm bảo chất lượng cung cấp cho bà con sản xuất 60 ha lúa, 150 ha mỳ, 20 ha bắp. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh phân bón trên địa bàn có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, nhất là một số đối tượng bán phân bón kém chất lượng với giá thấp làm “méo mó” thị trường, gây khó khăn cho những cơ sở có uy tín.
Hạn chế là vậy, nhưng công tác quản lý hoạt động kinh doanh phân bón đang gặp khó khăn. Đồng chí Nguyễn Hữu Hoành, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường, cho biết: Hiện nay trên thị trường có nhiều loại phân bón lưu thông với nhiều tên gọi khác nhau (có khoảng 5.000 loại phân bón có trong danh mục), vì vậy rất khó khăn trong việc đối chiếu, tra cứu, truy xuất nguồn gốc dẫn đến hiệu quả quản lý thấp. Qua lấy mẫu kiểm định, phân bón kém chất lượng chiếm tới 36%, điều này cho thấy quản lý chất lượng còn hạn chế. Cũng theo đồng chí Nguyễn Hữu Hoành, để chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón cần phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ khâu sản xuất đến lưu thông trên thị trường. Cần quy định phân bón là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện để hạn chế, loại bỏ những đơn vị không đủ năng lực, điều kiện cần thiết tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh; nghiêm khắc xử phạt các cở sở sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng.
Anh Tùng