Dấu ấn ngành công nghiệp

Vươn lên từ nội lực

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều biến động phức tạp, môi trường đầu tư còn thiếu hấp dẫn, nhưng kết thúc năm 2013, ngành công nghiệp tỉnh nhà vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 12,1% và chiếm tỷ trọng trên 21% GDP của tỉnh. Góp phần vào sự tăng trưởng chung đó, ngoài các sản phẩm truyền thống như: Nhân hạt điều, sản phẩm may mặc, hải sản đông lạnh, còn có sự góp mặt của một số sản phẩm mới như Bia đóng lon, dệt khăn bông các loại và gạch không nung...

Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận
kiểm tra chất lượng sản phẩm gạch không nung. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đạt mục tiêu nói trên, một trong những giải pháp mà ngành đã “kiên trì” thực hiện đó là đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để các cơ sở sản xuất công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhờ đó, trong số 55 công trình được triển khai thực hiện trong năm 2013, đến nay có 33 công trình đã hoàn thành đưa vào sản xuất, trong đó đáng lưu ý là các dự án đầu tư mới như: Nhà máy bia Sài Gòn – Ninh Thuận của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, với có công suất 50 triệu lít bia/năm; Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú tại thôn Hạnh Trí, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, với quy mô sản xuất 50 triệu chiếc khăn bông/năm; Nhà máy Bao bì Tân Định; Thủy điện hạ Sông Pha 1; Nhà máy chế biến muối của Công ty Muối Bim; Dự án các Nhà máy gạch không nung của Công ty Vạn Gia, Công ty Cổ phần Xây dựng,... đã góp phần tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng của ngành rất lớn.

Theo đánh giá của ngành chủ quản, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp bước đầu đã tạo ra những hiệu quả khá rõ nét. Ngay từ cuối qúy III và đầu quý IV của năm 2013, ngành Công nghiệp đã có những đột phá về tốc độ tăng trưởng. Có thể minh chứng điều này qua con số so sánh: Nếu ở thời điểm quý IV năm 2012 tổng giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp chỉ đạt 1.879 tỷ đồng, tăng 10,5% thì đến quý IV của năm nay đã đạt 2.178 tỷ đồng và đưa mức tăng trưởng lên 12,06%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đã vượt con số 60,1 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Các nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng khá, gồm: Thủy sản chế biến đạt 2.347 tấn, tăng 21,1%; đường RS đạt 16.923 tấn, tăng 12,8%; đá xây dựng đạt 814.994 m3, tăng 33%; muối chế biến đạt 85.210 tấn, tăng 49,88%; điện thương phẩm đạt 430 triệu Kwh, tăng 11%. Đó là chưa kể các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đang duy trì sản xuất ổn định, góp phần không nhỏ vào giá trị sản xuất chung của ngành.

Cán bộ kỹ thuật Nhà máy Thủy điện Sông Ông kiểm tra hệ thống vận hành.
Ảnh: Văn Miên

Dẫn cứ một vài số liệu cụ thể như trên để thấy rằng, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, nhưng ngành công nghiệp tỉnh ta vẫn tạo được sức bật mới để vươn lên. Trong đó, có một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận, Công ty TNHH may Tiến Thuận..., không chỉ tiếp tục khẳng định vị trí “đầu tàu” của mình, mà còn năng động “tiến ra” các tỉnh bạn để mở rộng phạm vi hoạt động, với những sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước, mà còn có khả năng xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước Châu Âu, Mỹ...

Kỳ vọng bước tăng trưởng mới

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh (khóa IX) vào cuối năm 2013 cho thấy, năm qua toàn tỉnh có 236 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với vốn đăng ký trên 972,8 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh đến nay lên 1.798 doanh nghiệp, vốn đăng ký trên 16.914,8 tỷ đồng. So với năm 2012, số doanh nghiệp “ra đời” đã vượt trên mức 31%. Ngoài ra, tỉnh ta còn cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án và chấp thuận chủ trương địa điểm cho 26 dự án khác, với tổng vốn đăng ký trên 8.000 tỷ đồng. Với kết quả này thì việc kỳ vọng trong thời gian tới ngành công nghiệp tiếp tục có bước tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của tỉnh là điều có căn cứ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp đều có khả năng đảm trách các dự án đầu tư nội tỉnh. Tuy nhiên, thực tế phải nói rằng, sự phát triển đó vẫn chưa cao. Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2014 đưa tổng giá trị sản xuất ngành Công nghiệp đạt 2.620 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 29,3% và kim ngạch xuất khẩu đạt 70 triệu USD như kế hoạch đã đề ra, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời có biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, nhằm duy trì và mở rộng thị trường các sản phẩm hiện có. Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành quy hoạch lại các khu, cụm công nghiệp và ban hành quy hoạch chi tiết về phát triển ngành Công nghiệp đến năm 2020. Cách làm trên không chỉ khuyến khích được các doanh nghiệp trong tỉnh phát huy tốt nội lực mà còn có điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết được với các doanh nghiệp trong, ngoài nước để sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiềm năng công nghiệp phát triển.

Liên hệ xa hơn có thể thấy, trong những lần về thăm và làm việc với tỉnh ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng nói: Ninh Thuận là một tỉnh còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư, cho nên muốn từng bước đẩy mạnh phát triển ngành Công nghiệp theo hướng tăng trưởng cao, có lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu như định hướng mà tỉnh đề ra thì không nhất thiết phải quan tâm đến khu công nghiệp lớn hay nhỏ mà vấn đề mấu chốt là phải xây dựng được nhiều “cửa mở” để các doanh nghiệp nội tỉnh tiếp xúc với thị trường chung của khu vực. Và điều này càng hợp lý hơn khi hiện nay tỉnh ta đang có những quyết sách đúng đắn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển.

Trong xu thế của nền kinh tế thị trường hiện nay, mạnh dạn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm, hạn chế là việc cần làm ngay của các nhà quản lý. Hiểu rõ vấn đề này, từ năm 2009 đến nay, ngoài việc xây dựng quy hoạch chung cân đối, hài hòa giữa điều kiện tự nhiên mang tính đặc thù của địa phương với các tiểu vùng kinh tế, tỉnh ta còn luôn ưu tiên, tạo cơ chế mở cho các nhà đầu tư, với quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhờ đó, lĩnh vực đầu tư cho sản xuất công nghiệp của tỉnh đang có nhiều khởi sắc. Ngoài những dự án lớn có tính chất đột phá cho tăng trưởng của ngành như đã kể trên, hiện tỉnh ta còn có hàng chục dự án khác đã và đang hoàn thành hoặc đang đầu tư mở rộng chiều sâu như: Nhà máy chế biến tôm của Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận; Nhà máy chế biến rong sụn của Công ty Cổ phần Rau Câu Sơn Hải, Nhà máy Thủy điện Hạ Sông Pha 2... Ngoài ra, tỉnh còn đang “ấp ủ” nhiều dự án lớn như: Các dự án Phong điện, dự án khai thác quặng Titan, các dự án thủy điện Tân Mỹ, Thượng Sông Ông, tích năng Bác Ái... Khi đi vào hoạt động các dự án này sẽ trở thành nguồn lực mới tạo cơ sở để ngành Công nghiệp phát triển nhanh, bền vững trong năm 2014 và cả những năm tiếp theo.