Nhìn lại giá cả hàng hóa tiêu dùng năm 2013 trên địa bàn tỉnh

(NTO) Theo số liệu của Cục Thống kê, tháng 12-2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng khá cao và dừng ở mức 0,97% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị tăng 0,93% và khu vực nông thôn tăng 1,01%.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, tháng 12 là một trong những tháng của năm 2013 có chỉ số CPI tăng cao nhất, trong số này chỉ số nhóm hàng hoá tăng 1,47% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 1,83%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 1,05%) và chỉ số nhóm dịch vụ tương đối ổn định. Nhóm mặt hàng giá tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,08%, do giá gas tăng cao; tiếp theo hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,69%. nhóm mặt hàng giá giảm nhiều nhất là hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,42%.

Chị em nội trợ mua trái cây tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Nhìn lại năm 2013, điều dễ dàng nhân thấy là CPI tháng cuối năm chỉ tăng 5,31% so với tháng 12 năm trước, mức tăng này thấp hơn so với chỉ số tăng 13,53% của năm 2012. Trong năm 2013 có 3 tháng liên tiếp CPI giảm, đó là các tháng 3,4,5 và 8 tháng tăng nhẹ dưới 1%, tháng 2 duy nhất tăng trên 1% do tháng Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Nguyên nhân tăng là: Điện dùng cho sản xuất và sinh hoạt được điều chỉnh tăng 5% kể từ ngày 1-8-2013 và đợt tăng giá điện 5% vào tháng 12-2012 cũng ảnh hưởng vào giá của năm. Đó là chưa kể trong năm giá xăng dầu nhiều lần tăng vọt nhưng đến khi giảm thì... chỉ giảm nhẹ! Cụ thể giá xăng dầu bán lẻ đã có tới 10 lần điều chỉnh, gồm 4 lần tăng và 6 lần giảm. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12 giá xăng vẫn cao hơn ngày đầu năm 490đồng/lít, giá dầu Diezen 0,05s tăng thêm 454đồng/lít, dầu hỏa tăng 314đồng/lít. Đáng lưu ý là sau những lần xăng dầu tăng giá, giá cước taxi và các phương tiện vận tải khác đều điều chỉnh tăng nhưng lại chưa bao giờ giảm, đây là một nghịch lý nhưng khó thay đổi.

Trong 5 tháng đầu năm 2013, giá gas bán lẻ trên địa bàn tỉnh liên tục giảm mạnh bởi lượng cung dồi dào và sự canh tranh từ các công ty sản xuất và kinh doanh khí đốt hoá lỏng trong và ngoài nước. Tuy nhiên đến đầu tháng 12, giá gas tăng cao lập kỷ lục tới 80.000đ/bình 12kg. Như vậy, kể từ tháng 6-2013 tới nay, giá gas liên tục tăng cao với 6 lần tăng mà chỉ có 1 lần giảm. Mức tăng lên tới khoảng 132.000 đồng/bình 12 kg và chỉ giảm 1 lần 8.000 đồng/bình vào tháng 10-2013. Tính chung cả năm 2013 giá gas bán lẻ trên địa bàn tỉnh tăng tới 59.000đ/bình 12kg (tăng 7,51%) so với tháng 12-2012. Mặt hàng sữa có mức tăng từ 2%-9%; các loại sách, vở, đồ dùng học tập tăng từ 2%-7% do nguyên liệu, chi phí đầu vào và chí phi nhân công tăng cũng làm cho CPI năm 2013 tăng.

Giá tiêu dùng của nhóm mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống, so với tháng 12-2012, chỉ số nhóm hàng này tăng 8,70% trong đó giá lương thực tăng 3,54%; Giá thực phẩm tăng 9,66%. Ăn uống ngoài gia đình tăng 10,22%.

Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 7,44% trong đó đồ uống không cồn tăng 4,74%. Nhóm may mặc, giày dép tăng 6,37% trong đó may mặc tăng 7,18%, dịch vụ may mặc tăng gần 8%. Chỉ số nhóm này tăng do chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển và công dịch vụ tăng cao. Nhóm nhà ở và vật liệu liệu xây dựng tăng 5,57%. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của nhóm này không cao so với những năm trước do giá vật liệu xây dựng chỉ tăng nhẹ 1,95% do lượng hàng tồn kho sắt thép và xi măng còn nhiều... Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,26% chủ yếu là giá đồ dùng trong gia đình tăng. Nhóm giao thông tăng 1,39% chủ yếu là giá nhiên liệu tăng và dịch vụ về giao thông công cộng tăng. Nhóm giáo dục tăng 1,06% chủ yếu do tăng giá các văn phòng phẩm (tăng 5,07%). Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,93%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,35% so với tháng 12-2012.

Chỉ số giá vàng bình quân năm 2013 giảm 13,13% so với cùng kỳ 2012. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,83% so với tháng 12-2012 và tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ năm trước.