Có một khu ẩm thực bình dân dành cho du khách Nga

(NTO) Ở một góc đường Yên Ninh (Phan Rang-Tháp Chàm), không xa Khách sạn Du lịch Sơn Long Thuận, có một khu ẩm thực “tự phát” đang được nhiều du khách Nga lui tới ăn uống. Cả khu chỉ có 3 quán ăn là Vân Đệ, Chương và Việt Nga, trên bảng hiệu có ghi tên quán, thức ăn, uống và các lời mời chào bằng tiếng Nga, cạnh đó còn có 1 quán cà phê xập xệ và hàng trái cây ven đường cũng chuyên bán cho du khách Nga. Nhiều lần đi ngang qua, tôi đã không tránh khỏi tò mò về sự xuất hiện của khu ẩm thực bình dân này.

Trong 3 quán kể trên, mỗi quán đều tìm cách chào hàng, thu hút khách vào quán mình, như quán Chương có cả chiếc bảng to quảng bá “Đờn ca tài tử” bằng tiếng Nga. Tuy nhiên đông du khách Nga nhất vẫn là quán Vân Đệ do anh Nguyễn Ngọc Thạnh, cư trú ở phường Mỹ Đông làm chủ. Vốn là một ngư dân, cách nay chừng 1 năm anh bỏ nghề chuyển sang mở quán ăn, trùng hợp đó cũng là thời điểm du khách Nga đang có mặt tại địa bàn.

Du khách Nga tại quán Vân Đệ.

Thế là anh và 2 quán bên cạnh nắm bắt cơ hội, tìm người biết tiếng Nga chỉ dẫn ghi bảng hiệu bằng chữ Nga. Mỗi quán đều có người phiên dịch bập bẹ, riêng anh Thạnh may mắn có người bạn là Diệp Duy Lâm hợp tác làm phiên dịch. Anh Lâm nguyên là du học sinh ở Nga, sau đó đã có thời gian sinh sống, làm ăn ngót 18 năm trên đất Nga nên nói tiếng Nga không thua người Nga. Đây chính là yếu tố đầu tiên thu hút du khách Nga tìm đến. Anh Lâm chia sẻ: Tâm lý ai cũng vậy, đến một đất nước xa lạ gặp được người biết tiếng nước mình để nói chuyện, tâm sự thì còn gì hào hứng bằng, nó xóa đi cảm giác lạc lõng, lo lắng cho nên họ cứ thích tìm vào quán chúng tôi hơn.

Từ khu ẩm thực bình dân này, chỉ cần đi ngược về hướng trung tâm thành phố một đoạn vài trăm mét là gặp Nhà hàng hải sản Sao Biển, cũng là một địa chỉ dành cho du khách Nga. Tuy nhiên do đa số du khách Nga đều chi tiêu tiết kiệm, việc ăn uống của họ thường tập trung ở khu ẩm thực bình dân. Hằng ngày vào khoảng 1 giờ trưa và 6 giờ chiều có trên 150 du khách Nga đến đây ăn uống, riêng quán Vân Đệ tiếp mỗi ngày 70-100 lượt du khách Nga với giá phải chăng, ví dụ một đĩa cơm hải sản (tôm, mực) chỉ tầm 30-40.000 đồng. Anh Nguyễn Ngọc Thạnh cho biết: Nhờ lượng du khách Nga, chúng tôi có điều kiện làm ăn thuận lợi. Để kéo họ tới quán phải hiểu được khẩu vị của họ, nên ngoài các món ăn Nga, chúng tôi còn có các món hải sản, chả giò, phô mai chiên giòn mà họ rất thích, kể cả các loại trái cây như thơm, đu đủ, xoài chín, tất cả đều bán theo như giá bán cho người Việt, đặc biệt là quán còn làm cả dịch vụ đổi tiền USD ra tiền Việt đúng tỷ giá nên tạo được cảm tình của du khách Nga. Thông qua anh Lâm, tôi đã có dịp trò chuyện với vợ chồng anh Alexsander Pozharski, du khách Nga lần đầu đến Việt Nam và có mặt ở tỉnh ta được gần 1 tuần. Anh nói: Điều ấn tượng nhất là những ngày ở đây tôi thấy người Việt rất thân thiện và thức ăn vừa rẻ, vừa ngon. Tuyệt vời là được nói thoải mái tiếng mẹ đẻ với người bản xứ. Chắc chắn năm sau tôi sẽ trở lại và giới thiệu với bạn bè đến Ninh Thuận.

Những người hình thành khu vực ẩm thực phục vụ du khách Nga đã biết chớp lấy thời cơ làm ăn ... Từ kinh nghiệm của khu ẩm thực, chúng tôi ghi nhận được phương cách để thu hút du khách Nga rất thiết thực, đó là cần phải có 4 yếu tố: Người bán nói sỏi tiếng Nga, thái độ thân thiện, thức ăn ngon và hợp khẩu vị, bán đúng giá. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận thức được điều này, trong thực tế gần khu vực ẩm thực vẫn có hàng trái cây niêm yết giá bán cao hơn gấp đôi, gấp 3 giá thị trường.

Qua đó cho thấy nếu không có vai trò quản lý, tổ chức của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và ngành chức năng, khu ẩm thực tự phát thay vì là điểm đến tin cậy của du khách Nga, sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch chung của tỉnh nhà. Rất mong ngành và địa phương quan tâm, cần có biện pháp quản lý sao cho khu ẩm thực Nga này trở thành khu văn minh, lịch sự, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực sự gây được cảm tình sâu đậm trong lòng du khách Nga.