Để xảy ra oan sai, Viện Kiểm sát cũng có trách nhiệm

Giải trình trước Quốc hội chiều 21/11, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hòa Bình thừa nhận vẫn còn một tỷ lệ nhỏ án oan sai, với cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát cũng có trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trên.

 

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình giải trình trước Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, thời gian qua, ngành đã có nhiều biện pháp khắc phục tình trạng oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nên án oan sai đã được giám đáng kể, đặc biệt trong năm 2013 khi thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội.

Đề cập đến các giải pháp cụ thể, Viện trưởng cho biết, ngành đã thực hiện các biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong điều tra, nâng cao công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự; kiểm sát chặt chẽ giải quyết tin báo tội phạm, tích cực thực hiện các biện pháp chống oan sai ngay từ khi khởi tố. Trên thực tế, cũng đã hủy bỏ nhiều quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; không phê chuẩn các quyết định tố tụng không đủ căn cứ pháp luật.

Đồng thời, tăng cường kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, thu thập đầy đủ các chứng cứ, thận trọng chính xác khi ra quyết định truy tố, thực hiện tốt tranh tụng tại tòa; tạo điều kiện cho luật sư tham gia ngay từ khi khởi tố; kiểm sát chặt chẽ các bản án; tăng cường kháng nghị nếu có dấu hiệu oan sai. Tăng cường trách nhiệm của kiểm sát trong hoạt động kiểm sát hình sự. Yêu cầu kiểm sát viên cùng tham gia với điều tra viên trong hoạt động tố tụng như lấy lời khai, hỏi cung, kiểm sát chặt chẽ giam giữ, tạm giam để loại trừ các trường hợp bức cung, dùng nhục hình; trực tiếp tiến hành phúc tra một số trường hợp theo quy định.

Mặt khác, nâng cao hoạt động của cơ quan điều tra, VKSNDTC; tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm để xảy ra oan sai, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm sát viên; đề cao kỷ cương kỷ luật; nghiên cứu sửa đổi các luật liên quan theo hướng hoàn thiện nguyên tắc cơ bản như suy đoán vô tội để nhằm hạn chế oan sai.

Đối với những vụ án oan sai đã xảy ra trong thực tế, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ được thực hiện theo 5 hoạt động: Kịp thời minh oan cho người bị oan; Tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để tìm ra thủ phạm và sáng tỏ vụ án; Triển khai trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật; Xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai, sai đến đâu xử đến đâu; Tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân, ban hành kiến nghị để khắc phục..

Đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho hay đều không nằm ngoài các hoạt động này và mỗi hoạt động đều có quy định chặt chẽ, quy trình thủ tục trong pháp luật và tiến hành tuần tự theo quy định.

Cho biết đã nhận được nhiều kiến nghị của các đại biểu về việc xem xét lại vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Viện trưởng nhấn mạnh, đây là vụ án có sự quan tâm rộng rãi của Quốc hội, công luận, nhân dân, có sự chỉ đạo của Chủ tịch nước, đôn đốc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương...Vì vậy, xuyên suốt quá trình làm việc, VKSNDTC đã phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với cơ quan công an, Tòa án... giải quyết cẩn trọng trên cơ sở đưa ra Ủy ban Kiểm sát, lãnh đạo VKSNDTC xem xét với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn để có quyết định kháng nghị tái thẩm bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội danh "Giết người". Kết quả, Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng đã chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam