Không chấp nhận án oan, nhục hình, bức cung

Án oan, chất lượng xét xử liên quan đến đội ngũ cán bộ tòa án là những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tại phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình, sáng 21/11 ở Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

 

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN)

Chất lượng xét xử chưa được như mong muốn

Mở đầu buổi chất vấn, đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân (Hải Phòng) chất vấn Chánh án về chất lượng giải quyết các vụ án tùy thuộc trình độ thẩm án, thẩm tra viên, thư ký.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phản ánh hàng năm vẫn có nhiều đơn giám đốc thẩm. Vậy TANDTC có giải pháp gì để nâng cao chất lượng xét xử, lấy lại lòng tin nhân dân, hạn chế oan sai?

Trả lời các câu hỏi liên quan đến chất lượng xét xử, Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận chất lượng xét xử liên quan đến cái gốc là chất lượng cán bộ của ngành, bao gồm đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký và công chức khác.

Để nâng cao chất lượng cán bộ, ngành tòa án đã có chiến lược đến năm 2020 với mục tiêu hàng đầu đặt ra là đào tạo được đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thông pháp luật, có bản lĩnh chính trị, đạo đức, đặc biệt phải có quan điểm nghe dân và phục vụ nhân dân.

“Như vậy mới có thể hạn chế ít nhất oan sai để khẳng định uy tín của ngành vì tòa án là biểu tượng của công lý” - Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Về số lượng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết chậm, chưa củng cố được niềm tin với nhân dân, Chánh án cho biết: Theo tinh thần Nghị quyết 37 của Quốc hội, năm 2012, ngành tòa án đã giải quyết được 63,3 % đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, con số cao nhất so với những năm trước đây; số lượng đơn còn lại vẫn còn trong thời hạn giải quyết 5 năm. Như vậy, Chánh án cho rằng số lượng đơn giải quyết là rất cao trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn phản ánh án bị hủy, sửa, cho thấy chưa đạt được yêu cầu Quốc hội và nhân dân mong muốn.

Về tiêu cực trong ngành tòa án, Chánh án cho biết, trong năm qua đã xử lý 71 trường hợp.

Trước băn khoăn của một số đại biểu về tình trạng án tham nhũng bị xử nhẹ, Chánh án cho biết thời gian qua đối với những vụ án trọng điểm, có hành vi tham nhũng gây thất thoát lớn, tòa án đều xét xử nghiêm minh, không xử nhẹ. Tuy nhiên cũng có vài vụ án đã phát hiện được ở Vinh, Phú Yên, Vĩnh Phúc... và TANDTC đã kháng nghị. Còn xảy ra một số vụ như Ủy ban tư pháp của Quốc hội thẩm định là nhiều năm chứ không phải trong năm nay.

Để xảy ra oan sai, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Trả lời chất vấn của các ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) liên quan đến vụ án được cho là oan sai đối với Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) được dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, Chánh án cho biết đây là những câu hỏi rất rộng, về thẩm quyền của cả 3 ngành công an, kiểm sát, tòa án. Trong đó tòa án là một chủ thể trong quá trình tố tụng.

Cụ thể, Chánh án cho biết: Ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán là cơ quan xét xử cao nhất đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) và hủy bản án để điều tra lại vụ án. Hiện nay, các thủ tục về tố tụng đang được tiến hành để VKS thực hiện việc điều tra lại. VKS sẽ chuyển lại cơ quan điều tra để điều tra lại vụ án.

Trước dư luận cho rằng vụ án ông Chấn là sai, có ép cung, Chánh án cho rằng bất cứ nền tư pháp của nước nào, kể cả tiên tiến cũng không tránh khỏi tình trạng oan sai. Tuy nhiên “để xảy ra oan đối với những người bị buộc tội ở mức án cao là không chấp nhận được” – Chánh án khẳng định.

Song, Chánh án cũng nhấn mạnh, để xác định có oan sai hay không phải theo quy định của pháp luật bởi một Hội đồng xét xử. Đối với dư luận như vậy, những người có trách nhiệm phải đặc biệt quan tâm, xem xét, thực hiện đầy đủ trách nhiệm nếu để xảy ra oan sai là mang nỗi khổ cho người dân, thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, quyền tự do con người. Vì vậy, phải được xem xét một cách kịp thời, khẩn trương thấu đáo và đúng pháp luật. Mặt khác, Chánh án cũng bày tỏ mong muốn các vị đại biểu xem xét thấu đáo, chờ các cơ quan chức năng giải quyết vụ án và khẳng định các cơ quan này và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, pháp luật và nhân dân.

Chánh án cho hay, nếu có ép cung thì cũng không thể chấp nhận được, tuy nhiên cần phải chứng minh vấn đề này chặt chẽ, khách quan. Chánh án TANDTC cũng cho rằng còn có những cơ quan khác liên quan trong quá trình tố tụng như điều tra viên, kiểm sát viên...

Đối với tòa án, Chánh án cho biết, Hội đồng xét xử dựa trên tài liệu, chứng cứ, hồ sơ giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Nếu hồ sơ đã khép kín, thì Tòa án xét xử theo hồ sơ bảo đảm theo đúng pháp luật. “Việc Hội đồng xét xử có phát hiện ra ép cung hay không rất là khó. Điều này phải được bị can yêu cầu xem xét, VKS đề nghị xem xét, luật sư đề nghị xem xét thì TAND mới có cơ sở. Với trách nhiệm của Hội đồng xét xử, dù có đề xuất hay không, xét xử xảy ra oan sai thì TAND phải liên đới trách nhiệm, không thể phủ nhận được trách nhiệm này” – Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận.

Điều này, theo Chánh án đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng, trình độ, bản lĩnh cán bộ ngành tòa án, đặc biệt là các chức danh tư pháp, phải nhạy bén, thụ công phụng pháp, chí công, vô tư không để xảy ra oai sai, ép cung, nhục hình.

Về biện pháp xử lý, Chánh án cho biết, tùy theo mức độ, cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án đều phải xử lý, nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật, nếu xâm phạm hoạt động tư pháp thì phải được xem xét theo trách nhiệm đối với vi phạm pháp luật hình sự.

Ở đây, Chánh án cũng cho rằng không thể kết luận một cách vội vàng. “Tất cả phải được xem xét 2 mặt. Nếu thực sự có oan sai, tùy theo từng giai đoạn, vụ việc, thuộc trách nhiệm của cơ quan nào, về nguyên lý chung thì người đứng đầu có trách nhiệm” – Chánh án nói.

Chánh án Trương Hòa Bình cũng cho biết thêm, hiện nay đã chỉ đạo rà soát lại tất cả các bản án hình sự có đơn kiến nghị, kêu oan, đặc biệt liên quan đến án tử hình./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam