Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú: Giải quyết lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương

(NTO) Sau hơn 1 năm khởi công, Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú, do Công ty CP Dệt gia dụng Phong Phú làm chủ đầu tư tại thôn Hạnh Trí, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) đến nay đã cơ bản hoàn thành và chính thức hoạt động vào đầu tháng 10 này. Với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, doanh nghiệp góp phần giải quyết lao động nông thôn với số lượng lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Công ty CP Dệt may Quảng Phú được thành lập đầu năm 2011. Những ngày đầu do chưa có mặt bằng và để duy trì hoạt động sản xuất, Công ty đã thuê lại mặt bằng của Trung tâm Dạy nghề Ninh Sơn. Tại đây, Công ty đã tiến hành tuyển dụng và đào tạo 400 lao động địa phương làm việc tại 3 phân xưởng sản xuất các sản phẩm: chăn, ga, gối, khăn bông, áo choàng tắm, với sản lượng bình quân 9,5 tấn/ ngày, tạo thu nhập ổn định cho lao động, bình quân từ 2,9 triệu – 3,1 triệu/người/tháng. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước, nước ngoài rất lớn, đặc biệt địa bàn Ninh Sơn là vùng đất trồng bông truyền thống, có nguồn lao động dồi dào, đây là điều kiện thích hợp để Công ty đầu tư xây dựng mới Nhà máy sản xuất khăn bông.

 
Dự kiến sau khi dự án hoàn thành, công ty sẽ đào tạo và tiếp nhận khoảng 1.500 lao động.

Theo đó, từ tháng 3- 2012, Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú khởi công, được chia làm 2 giai đoạn, với 6 hạng mục. Dự kiến đến tháng 4 – 2016 dự án sẽ hoàn thành. Trong đó, 2 hạng mục còn lại của giai đoạn 1 là nhà máy nhuộm, nhà máy xử lý nước thải và văn phòng sẽ khởi công vào tháng 1- 2014, dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2015; 2 hạng mục nhà máy sợi, nhà máy dệt thuộc giai đoạn 2 sẽ bắt đầu xây dựng vào 2015.

Với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, Dự án Nhà máy sản xuất khăn bông, có quy mô 22ha, xây dựng mới toàn bộ hệ thống sản xuất khép kín từ nhà máy sợi, nhà máy dệt, nhà máy nhuộm đến nhà máy may và các công trình phụ trợ…công ty cũng đầu tư  thiết bị hiện đại xuất xứ từ châu Âu, Mỹ để phục vụ sản xuất. Nhà máy này có công suất lên tới 6.240 tấn/năm, với sản phẩm chủ yếu là chăn, drap, gối, khăn bông, áo choàng tắm cung cấp cho các hệ thống siêu thị toàn quốc và xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, EU, Mỹ… hàng năm sẽ cho doanh thu trên 36 triệu USD.

Anh Bùi Trọng Vĩ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Quảng Phú cho biết: Đến nay, các hạng mục xây dựng của nhà máy cơ bản đã hoàn thành, hiện công ty đang lắp đặt các hệ thống đèn điện, máy móc, lát gạch nền để đưa vào hoạt động như đúng dự kiến. Về nguồn lao động, trước mắt sẽ chuyển 400 công nhân thạo nghề đang làm việc cho Công ty tại Trung tâm Dạy nghề Ninh Sơn về nhà máy, bắt tay vào sản xuất, nhằm tiết kiệm tối đa chi phí và nâng cao hiệu suất đầu tư.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh cầm chừng, thì việc đầu tư mở rộng xây dựng Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú tại tỉnh ta thực sự là một điểm sáng. Việc phát triển công nghiệp may về xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) là địa bàn nông thôn vừa giảm gánh nặng xã hội cho các doanh nghiệp may vốn phải sử dụng nhiều lao động, đồng thời người lao động được làm việc tại địa phương rất thuận lợi cho sinh hoạt, đi lại. Đặc biệt Ninh Sơn là huyện có lợi thế là vùng đất truyền thống trồng bông, việc khai thác thu mua nguyên liệu sẵn có tại địa phương để phục vụ sản xuất cho nhà máy với số lượng lớn hàng năm, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chiến lược kinh doanh của Công ty CP Dệt may Quảng Phú là hướng đến việc xây dựng một doanh nghiệp dệt may hàng đầu của Việt Nam với điều kiện làm việc lý tưởng và một môi trường xanh- sạch-đẹp nhằm tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng các yêu cầu thị trường xuất khẩu khó tính như: Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ…. Anh Bùi Trọng Vĩ, cho biết thêm: Đặc thù của ngành dệt may là chịu nhiều tác động của các yếu tố như bụi, rác thải, tiếng ồn, độ ẩm, ánh sáng, và dễ cháy nổ... vì thế, ngay từ đầu công ty rất chú trọng đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe người lao động, phòng, chống cháy nổ.

Dự kiến đầu tháng 10-2013, những dây chuyền đầu tiên của Nhà máy may sẽ bắt đầu đi vào sản xuất những lô sản phẩm đầu tiên. Sau khi Dự án Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú hoàn thành, sẽ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Ninh Sơn, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển.