Công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(NTO) Dân số tỉnh ta hiện có gần 600.000 người; 23% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó riêng dân tộc Chăm có gần 74.000 người, Raglai trên 60.000 người và K’ho gần 3.400 người. Do đặc điểm trên, trong những năm qua, cấp uỷ Đảng các cấp đã chú trọng lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), nhất là công tác phát triển đảng viên (ĐV) mới vùng đồng bào DTTS đạt được nhiều kết quả phấn khởi.

Cô giáo Trương Hải My dân tộc Chăm, sinh năm 1982, giảng dạy tại Trường TH Hữu Đức (Phước Hữu, Ninh Phước).
Tháng 1- 2011, Trương Hải My vinh dự được tổ chức kết nạp vào Đảng. Phát huy vai trò tiền phong gương mẫu
của người đảng viên, cô My luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương trong đợt khảo sát ở tỉnh ta vừa qua, chúng tôi ghi nhận những nhân tố mới trong công tác xây dựng Đảng ở vùng đồng bào DTTS, rõ nét nhất là tại vùng đồng bào Chăm sinh sống. Theo Ban Dân vận Tỉnh uỷ, ĐV người dân tộc thiểu số trong tỉnh hiện có 1.830 người, bao gồm trên 860 ĐV là người dân tộc Raglai, trên 900 ĐV là dân tộc Chăm, còn lại là ĐV người các dân tộc khác. Nhờ quan tâm công tác kết nạp ĐV nói riêng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở nói chung, 100% địa phương vùng đồng bào DTTS đều có chi bộ Đảng. Đội ngũ cán bộ (CB) vùng đồng bào DTTS được quan tâm quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng hợp lý, tính ra có gần 400 CB DTTS, chiếm tỷ lệ 14,4% CB trên toàn tỉnh. Các tổ chức Đảng vùng đồng bào DTTS đã đóng vai trò quan trọng trong thực hiện công tác dân vận của các cấp uỷ địa phương, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh. Qua đó làm nòng cốt giúp các cấp, ngành triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tại vùng đồng bào DTTS.

Tác động từ công tác xây dựng Đảng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội dễ nhận ra trên địa bàn huyện Ninh Phước. Trong tổng dân số gần 129.000 người, Ninh Phước, có gần 40.000 người dân tộc Chăm, chiếm tỷ lệ gần 31% và gần 2.400 người dân tộc Raglai, chiếm 1,82% dân số toàn huyện. Toàn Đảng bộ huyện Ninh Phước hiện có trên 1.600 ĐV, trong đó có 442 ĐV người DTTS (chiếm trên 27% tổng số ĐV); cụ thể : 428 ĐV dân tộc Chăm, 12 ĐV dân tộc Raglai, 1 ĐV dân tộc Mường và 1 ĐV dân tộc Nùng. Tính đến nay, trong 145 CB, công chức của các cơ quan phòng, ban cấp huyện đã có 29 người là DTTS; riêng cấp xã, thị trấn có 105 CB, công chức và 14 CB chủ chốt là người DTTS. Những con số trên cho thấy công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể trong vùng đồng bào DTTS ở Ninh Phước luôn được quan tâm kiện toàn, củng cố. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, người dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đến nay, huyện đã xây dựng được 20/22 thôn - khu phố văn hoá có đồng bào DTTS sinh sống.

Đến xã Xuân Hải (Ninh Hải), chúng tôi cũng ghi nhận được kết quả tương tự. Trong tổng số gần 16.500 nhân khẩu ở Xuân Hải, đã có gần 8.300 người là đồng bào dân tộc Chăm, chiếm 50,7% dân số toàn xã. Xuân Hải có 9 thôn, trong đó có 4 thôn đồng bào dân tộc Chăm, cả 4 thôn đều có chi bộ độc lập trực thuộc Đảng bộ xã. Riêng về số lượng ĐV, với 118 ĐV người Chăm, chiếm trên 87% trong toàn Đảng bộ xã. Sự tăng cường công tác kết nạp ĐV dân tộc Chăm đã giúp Đảng bộ xã làm tốt công tác dân vận, tạo động lực thúc đẩy các hội, đoàn thể ở các thôn đồng bào Chăm tham gia tích cực các hoạt động phong trào.

Nhìn chung qua làm tốt công tác xây dựng Đảng, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trong tỉnh, chủ yếu là dân tộc Chăm và Raglai, đã chuyển biến tích cực. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng được tạo điều kiện phát triển, giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân. Đi từ huyện miền núi Bác Ái đến các huyện đồng bằng, ven biển, chúng tôi nhận thấy hầu hết các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống đều được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…

Từ việc quan tâm phát triển ĐV và đào tạo CB vùng đồng bào DTTS, công tác xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh của các huyện đã có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng đã có điều kiện thuận lợi trong công tác dân vận, bảo đảm được tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Theo đồng chí Kiều Như Bổn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh uỷ, để phát huy kết quả đạt được, trong những năm tới vùng đồng bào DTTS cần phải tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao trình độ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là phát triển ĐV mới và đào tạo CB ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn mới.