NHNN yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu

NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”.

Theo đó, các đơn vị chủ trì, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện báo cáo cho cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp việc xử lý nợ xấu của TCTD.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị đầu mối phối hợp với các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Thống đốc NHNN tổ chức thực hiện các Đề án; theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch hành động. Cùng với đó, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan thực hiện Kế hoạch hành động; định kỳ tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Thống đốc NHNN về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý về việc thực hiện các Đề án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời phát hiện, đề xuất với Thống đốc NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền của NHNN.

Trước đó, đã có 15 ngân hàng công bố tình hình nợ xấu tính đến hết tháng 6/2013, trong đó có 3 đơn vị để nợ xấu trên 3%, gồm NaviBank (6,1%), SHB (9,04%) và TechcomBank (5,28%), còn lại hầu hết vẫn dưới 3%.

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng lên như MB từ 1,86% lên 2,44%; Sacombank từ 2% lên 2,5%, ACB từ 2,5% lên 2,98%, BIDV từ 2,7% lên 2,78%, VietinBank từ 1,76% lên 2,10%, VietcomBank từ 2,40% lên 2,80%.

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm: VPBank từ 2,72% còn 2,62%; TienPhong Bank từ 3,47% xuống 2,77%; OCB từ 2,8% xuống 2,5% và SouthernBank từ hơn 3% xuống còn 2,77%.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngân hàng, sổ sách nhiều ngân hàng đều ở mức an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế là quá “đẹp” so với thực tế. Trong khi đó, một phần lớn tỷ lệ nợ xấu là từ bất động sản gây ra mà thị trường này vẫn trầm lắng, lượng tồn kho cao. Việc đảo nợ, giải ngân khoản vay mới để trả nợ cũ không phải là cách giải quyết nợ xấu thực chất mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng các ngân hàng phải nghiêm túc xem xét lại việc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng của mình trên cơ sở tình hình tài chính cụ thể của bên vay.

Qua đó vừa phản ánh đúng thực trạng nợ xấu của mình, đồng thời tạo điều kiện để những khách hàng trả được nợ và vay vốn mới, tránh phát sinh nợ xấu.

Nguồn www.chinhphu.vn