Chất lượng, chương trình sách giáo khoa còn nhiều bất cập

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chương trình sách giáo khoa của chúng ta quá nặng nề, không giảm tải được

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Các đại biểu thống nhất nhận định: Chất lượng,chương trình sách giáo khoa phổ thông còn quá nhiều bất cập.

Chương trình SGK phổ thông vẫn còn quá nặng nề (Ảnh báo Thanh Niên)

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Báo cáo giám sát đã cho thấy bức tranh khá đầy đủ, toàn diện về giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay, nhất là những bất cập, hạn chế trong chương trình sách giáo khoa.

Nhiều ý kiến thống nhất nhận định: Mặc dù đã có những đổi mới song chương trình sách giáo khoa hiện nay thiếu tính hệ thống, liên thông giữa các cấp học, thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức đến việc rèn luyện tư duy sáng tạo, năng lực tự học, nhất là giáo dục kĩ năng sống và đạo đức cho học sinh. Nhiều nội dung trong các môn học còn thiếu tính khả thi, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến: "Chương trình sách giáo khoa của chúng ta quá nặng nề, không giảm tải được, chưa cân đối được giữa dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp. Bây giờ qua giám sát, giải pháp và việc gì cần làm để có thể giảm tải được cả trong chương trình và các môn học. Ở đây tôi thấy nói là giảm các môn học bắt buộc, vậy giảm ở đây là giảm môn nào?".

Qua thảo luận, các đại biểu cũng cơ bản thống nhất với đánh giá của đoàn giám sát về chương trình trung học phổ thông phân ban. Trên thực tế, việc tổ chức chương trình trung học phổ thông hiện nay gần như không còn phân ban theo đúng ý nghĩa của nó mà thực chất là việc dạy học phân hóa theo các khối thi đại học.

Hầu hết các trường THPT, kể cả nhiều trường THPT chuyên chỉ tổ chức dạy học theo ban Cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi đại học theo lựa chọn của học sinh. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Việc thực hiện phân ban đã không thành công

"Rõ ràng việc phân ban của chúng ta cũng cần phải tính toán, cân nhắc kĩ lưỡng. Với 1 tỉ lệ phân ban không thành công như thế này thì tương lai của phân ban sẽ như thế nào? Có lẽ bản báo cáo giám sát này cũng phải đề cập đến hướng đi của phân ban. Không phải Bộ giáo dục không quan tâm vấn đề này, rất quan tâm nhưng đang lúng túng và phải nói đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa có định hướng để giải quyết vấn đề này một cách mạnh mẽ hơn", bà Mai nêu ý kiến.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông phải lấy hệ thống các trường sư phạm làm nòng cốt. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng tuyển sinh đầu vào của phần lớn các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước đang giảm sút. Nhiều ý kiến đề nghị trước mắt cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên sư phạm, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình sách giáo khoa mới.

Nguồn vov.vn