Nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục năm học mới

(NTO) Năm học 2012-2013 kết thúc, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp chăm lo đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Toàn ngành đã huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong thời kỳ mới.

Đồng chí Nguyễn Bá Ninh
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT

Trong năm học vừa qua, cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm chăm lo củng cố đội ngũ cán bộ quản lý và tuyển dụng giáo viên bảo đảm biên chế cho các cấp học. Quy mô trường lớp được đầu tư mở rộng ở tất cả các địa phương phục vụ tốt nhu cầu học tập của học sinh, nhất là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả các mặt giáo dục và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2013 phản ánh chất lượng của học sinh tỉnh ta đã nâng lên ngang bằng với các tỉnh trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Qua các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi có nhiều em đoạt giải cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Đặc biệt, kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, tỉnh ta có hai học sinh đoạt ngôi vị Á khoa các trường đại học danh tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. Điều đó khẳng định tinh thần giảng dạy đầy trách nhiệm của đội ngũ thầy, cô giáo và thái độ học tập đúng đắn của các em học sinh.

Bộ GD&ĐT xác định chủ đề của năm học 2013-2014 là tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đề ra bốn nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới: “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giáo dục; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục”. Ngành GD&ĐT tỉnh đã cụ thể hóa các nhiệm vụ năm học mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có trên 136 ngàn học sinh các cấp ra lớp học tập tại 336 cơ sở giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trên 8.000 người đạt chuẩn và trên chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Từ nguồn lực của Nhà nước và huy động khả năng đóng góp của toàn xã hội tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp khang trang, đáp ứng căn bản cơ sở vật chất cho dạy và học. Toàn ngành đã chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới.

 

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn trong ngày tựu trường năm học 2013- 2014
Ảnh: Sơn Ngọc

Ngành GD&ĐT tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục trong năm học mới 2013-2014, đó là: Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 174-CT/TU, ngày 11-3-2013, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cuối cùng cho ngành Giáo dục (15/10/1968- 15/10/2013). Tăng cường thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU, ngày 11-2-2011, của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2011-2015; củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học-xóa mù chữ và PCGD THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn. Thực hiện tốt phân cấp quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về giáo dục giữa các sở, ngành và các địa phương. Nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, đặc biệt là các trường ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nâng cao số lượng và chất lượng các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh các cấp học. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh-sinh viên. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2010-2020 và Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020…

Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ngành hữu quan, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới 2013-2014, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Thầy giáo Trần Thanh Tuấn,

Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn:

Năm học 2012-2013 vừa qua, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn có 786 học sinh. Kết quả có 100% (272 học sinh lớp 12) đỗ tốt nghiệp THPT. Nhà trường có 4 học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia; đoạt 25 huy chương tại Kỳ thi Olympic 30 Tháng 4 truyền thống lần thứ 19 và 6 học sinh đoạt giải kỳ thi tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia… Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, Trường THTP Chuyên Lê Quý Đôn có hai em học sinh đỗ Á khoa vào Trường Đại học Y Dược và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Bước vào năm học 2013- 2014, toàn trường có 71 cán bộ quản lý, giáo viên đảm nhận giảng dạy cho 777 học sinh biên chế 23 lớp; trong đó có 265 học sinh mới trúng tuyển vào lớp 10. Hội đồng sư phạm nhà trường tiếp tục thi đua nâng cao chất lượng dạy và học, xứng đáng với truyền thống mái trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, góp phần cùng toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới.

Cô giáo Trần Thùy Vân,

Trưởng Phòng GD&ĐT Bác Ái:

Ngành GD&ĐT huyện Bác Ái tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và huy động nội lực trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện hiệu quả nhiều mô hình hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh gắn bó với trường lớp. Đặc biệt thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ cho các huyện nghèo đã tạo động lực mới đưa chất lượng giáo dục của huyện Bác Ái từng bước được nâng lên. Kết quả trong năm học 2012- 2013, toàn huyện có 391 học sinh hoàn thành chương trình TH, đạt 98,5% số học sinh lớp 5 và 232 học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS, đạt 99,5% số học sinh lớp 9. Bác Ái có 3 học sinh được công nhận vở sạch- chữ đẹp và 5 giáo viên được công nhận viết chữ đẹp cấp tỉnh. Bước vào năm học 2013- 2014, ngành GD&ĐT huyện Bác Ái rất mong tiếp tục nhận được giúp đỡ của các sở, ngành cấp tỉnh và sự ủng hộ đồng thuận của phụ huynh chung tay cùng nhà trường nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục học sinh vùng đặc biệt khó khăn.

Cô giáo Nguyễn Thị Bảy,

Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc):

Năm học 2013- 2014, nhà trường có 45 cán bộ, giáo viên đảm nhận giảng dạy cho trên 700 học sinh dân tộc Kinh, Chăm, Raglai. Tập thể cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường tiếp tục tổ chức tốt hoạt động ngoại khóa gắn với chương trình giảng dạy, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới. Những năm học vừa qua, Hội đồng sư phạm nhà trường thực hiện hiệu quả phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Các thầy, cô giáo tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích như “Rung chuông vàng”, “Măng non thi tài”, Câu lạc bộ “Phóng viên nhí”, xây dựng hộp thư “Điều em muốn nói”… Qua các đợt sinh hoạt ngoại khóa tạo tâm lý học sinh gần gũi với thầy cô giáo, gắn bó thân thiết với bạn bè, tích cực học tập. Nhà trường duy trì sĩ số đạt 99%; học sinh lên lớp đạt 95%. Năm 2012, Trường THCS Hà Huy Tập được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia.