HUYỆN BÁC ÁI CÔNG BỐ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020:

Mở hướng phát triển cho huyện vùng cao Bác Ái

(NTO) Một trong những quan điểm phát triển theo Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội huyện Bác Ái đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt đó là: Phát triển kinh tế gắn với phát triển miền núi và giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc, phát triển vùng khó khăn và xóa đói, giảm nghèo trên nguyên tắc đảm bảo sự đoàn kết, công bằng giữa các dân tộc.

Tạo điều kiện khai thác tiềm năng, gia tăng sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa bỏ nền kinh tế tự túc, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, giải quyết việc làm tạo cuộc sống ổn định cho người dân.

Trung tâm huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên

Cũng theo quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế của huyện dựa trên 3 trụ cột chính: nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp - du lịch, dịch vụ. Theo đó, về nông nghiệp tập trung các cây trồng, vật nuôi chủ yếu như: Nhóm cây lương thực (bắp, lúa), cây lấy bột (mỳ); nhóm cây công nghiệp ngắn ngày (mía, thuốc lá, mè); nhóm cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả (điều, chuối, mít); nhóm cây đa mục tiêu (cao su). Tiếp tục mở rộng thâm canh các vùng có điều kiện tưới, tiêu chủ động, đặc biệt là vùng tưới tập trung ở các xã thuộc hồ Sông Sắt, hồ Phước Trung, hồ Trà Co... Tiếp tục tăng cường và hoàn thiện công tác thủy lợi để đưa diện tích lúa 1vụ/năm hiện nay lên 2 vụ. Phấn đấu đến năm 2015 diện tích gieo trồng là 10.000 ha; trong đó, lúa 2.700 ha, bắp 5.500 ha . Năm 2020, diện tích gieo trồng 13.500 ha; trong đó, lúa 2.950 ha, bắp 7.000 ha. Điểm mới trong nông nghiệp là hình thành thêm khu vực trồng cây cao su với quy mô gần 11.000 ha vào năm 2020; trong đó có 5.500 ha thu hoạch với sản lượng 4.400 tấn.

Đối với chăn nuôi, thời gian tới dự kiến bố trí khoảng 200 ha đất chuyên trồng cỏ cung cấp thức ăn cho đàn gia súc. Phấn đấu đến năm 2015 quy mô đàn bò 17.000 con, năm 2020 tăng lên hơn 24.000 con. Đáng chú ý, quy hoạch đưa ra định hướng phát triển bò sữa công nghệ cao, quy mô trang trại 200 ha, đến năm 2020 có 2.000 con, sản lượng sữa mỗi năm đạt 12.000 tấn.

Riêng nuôi trồng thủy sản thì đây là ngành mới được hình thành trong vài năm nay, chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế. Tuy nhiên, khai thác tiềm năng, lợi thế nguồn nước từ các hồ, đập, thời gian tới huyện có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi chuyên canh một số đối tượng như cá trắm cỏ, điêu hồng với quy mô lớn; đồng thời, nuôi ghép với nhiều đối tượng phù hợp khả năng người lao động ở địa phương vì chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, hộ nuôi tận dụng được các nguồn thức ăn từ hệ thống sản xuất trong khu vực. Dự kiến đến năm 2015, diện tích thả hơn 97 ha và 365 ha vào năm 2020. Phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 438 tấn (năm 2015) và 1.643 tấn vào năm 2020.

Nông dân xã Phước Chính trồng mì đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Ở lĩnh vực công nghiệp phát triển theo hướng chuyển dịch công nghiệp nông thôn, dựa trên lợi thế của huyện, lấy công nghiệp chế biến nông sản, khai thác vật liệu làm động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh để chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả kinh tế. Bố trí cụm công nghiệp ở thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng, trọng tâm là công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, gia công và sản xuất hàng tiêu dùng; hàng thủ công mỹ nghệ. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm như thủy điện tích năng, thủy điện Tân Mỹ, tiếp đến xây dựng các nhà máy chế biến nông sản… góp phần tạo ra năng lực mới, giá trị mới tại địa phương.

Với đặc thù của một huyện miền núi, Bác Ái có tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa. Để khai thác lợi thế, quy hoạch cũng hướng tới xây dựng các khu, điểm du lịch, như: Vườn Quốc gia Phước Bình kết hợp du lịch tham quan nghiên cứu khoa học; Hồ thủy lợi Tân Mỹ kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái; hồ Sông Sắt, hồ Đa May kết hợp nuôi cá tầm; chuỗi du lịch thác Cha-pơ - suối Nước Lạnh…

Đồng chí Trần Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, quy hoạch mở ra hướng phát triển mới. Địa phương có nhiều cơ hội để thực hiện thành công, nổi lên là các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 30a của Chính phủ về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho huyện nghèo, Quyết định 491 về quy hoạch nông thôn mới theo 19 tiêu chí… Hiện tại trên địa bàn đang thực hiện nhiều dự án lớn như Dự án thủy lợi tích năng đầu tiên của Việt Nam và thủy điện Tân Mỹ; các chương trình phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội miền núi, vùng sâu, vùng xa là cơ hội giúp huyện nhanh chóng củng cố mạng lưới cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Đó là, 95% dân số trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp - đây là khó khăn, thách thức cho ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Do điều kiện hạ tầng hạn chế, nên khả năng thu hút vốn đầu tư yếu. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh thấp, hiện trên địa bàn có rất ít doanh nghiệp hoạt động.

Hồ thủy lợi Sông Sắt một trong những “điểm nhấn” thúc đầy nông nghiệp của huyện Bác Ái.
Ảnh: Văn Miên

Để thực hiện quy hoạch đúng theo lộ trình, huyện đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo để xây dựng kết cấu hạ tầng, chủ yếu là công trình thủy lợi, giao thông, điện nước. Coi khoa học-công nghệ là mũi nhọn hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là khâu triển khai ứng dụng nhằm mục đích tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí trên đơn vị sản phẩm. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, tăng nhanh tỷ lệ giống mới có năng suất cao vào sản xuất một số lĩnh vực có thế mạnh của huyện, từng bước hình thành các cơ sở sản xuất kỹ thuật cao về công nghiệp chế biến, sản xuất giống cây, con. Mở rộng hợp tác toàn diện với các địa phương trong tỉnh và trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên…

MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

Về kinh tế:

- Tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành giai đoạn 2011-2015 đạt trên 18%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt trên 21%/năm; trong đó giai đoạn 2011-2015: Nông, lâm và thủy sản tăng 16-17%/năm, công nghiệp, xây dựng tăng 21-22%/năm, thương mại, dịch vụ tăng 16-17%/năm và giai đoạn 2016-2020 tương ứng tăng 18-19%; 25-26%;17-18%.

- Đến năm 2015, thu nhập bình quân/người/năm đạt 16,7 triệu đồng, đến năm 2020 đạt 42 triệu đồng.

- Huy động vốn đầu tư cả thời kỳ 2011-2020 đạt 28.290 tỷ đồng. Trong đó: giai đoạn 2011-2015 đạt 9.566 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 đạt 18.724 tỷ đồng.

Về xã hội:

- Giảm tốc độ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2011-2015 còn 1,5%/năm và giai đoạn 2016-2020 còn 1,2%/năm. Đến năm 2015 quy mô dân số đạt khoảng 28,1 nghìn người và năm 2020 đạt khoảng 32,6 nghìn người.

- Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm bình quân 5-5,5%/năm, giai đoạn 2016-2020 giảm bình quân 4%/năm. Đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 40% và đến năm 2020 còn dưới 20%.

- Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ dân cư sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 80%, số hộ nông thôn có hố xí hợp vệ sinh đạt 70%, rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tập trung đạt 80%, quản lý và xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế đạt 100%; đến năm 2020 các chỉ tiêu tương ứng đạt 98%, 80%, 100% và 100%

CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ

1. Dự án phát triển thuỷ sản nước ngọt;

2. Dự án trồng nguyên liệu gắn với nhà máy quản lý sinh phẩm từ cây neem;

3. Xây dựng cụm công nghiệp Phước Thắng;

4. Dự án khu du lịch thác Cha-pơ;

5. Dự án khu du lịch sinh thái hồ Sông Sắt;

6. Dự án khu nghỉ dưỡng Phước Tân;

7. Dự án khai hoang, trồng mới và chăm sóc vườn cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản;

8. Dự án phát triển Bò sữa ứng dụng công nghệ cao;

9. Dự án xây dựng cơ sở thu mua nông sản và cung cấp vật tư nông nghiệp;

10. Dự án xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc;

11. Dự án xây dựng nhà máy chế biến thịt gia súc;

12. Dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ

Đồng chí Kiều Như Bổn,
Bí thư Huyện ủy Bác Ái:

Việc triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch cần phải có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Thời gian tới, Đảng bộ huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở bám sát chương trình hành động, các nhiệm vụ và các giải pháp đã đề ra để hoàn thành tốt mục tiêu theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó, sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương, gắn với việc nâng cao trình độ dân trí cho bà con, có các biện pháp động viên thích hợp để nhân dân ý thức vươn lên tự thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của huyện nhà.

Đồng chí Chamléa Thiện,
Bí thư Đảng ủy xã Phước Tiến:

Phước Tiến là xã đang thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới. Hiện nay trên địa bàn đã hình thành được vùng sản xuất lúa giống cao sản, vùng trồng bắp lai quy mô 50 ha. Quy hoạch hướng đến xây dựng huyện thành vùng trọng điểm sản xuất nông, lâm nghiệp phía Tây của tỉnh, trong đó chú trọng hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ tạo điều kiện tốt cho địa phương mở rộng diện tích các vùng chuyên canh cây trồng, chuyển dịch nhanh nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Bà Mấu Thị Bích Phanh
cán hộ hưu trí ở thôn Ma Hoa, xã Phước Đại:

So với trước khi tái lập huyện (năm 2001), hiện nay Bác Ái phát triển hơn nhiều. Nổi bật là hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ. Nhờ Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sản xuất mới nên bà con biết canh tác lúa nước. Có thể nói đây là bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu lâu nay. Việc quy hoạch bám sát với điều kiện thực tế, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, tôi tin sẽ tạo đà cho huyện nhà phát triển hơn nữa.