Khát vọng phát triển

(NTO) Từ xuất phát điểm thấp, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng yếu kém, nhưng sau 21 năm nỗ lực xây dựng quê hương, đến nay tỉnh ta đang ghi những dấu ấn quan trọng và đầy ấn tượng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên rất nhiều lĩnh vực...

Dấu ấn sau nhiều năm nỗ lực

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột mà tỉnh ta ưu tiên phát triển được xác định rất rõ, gồm 4 cụm ngành chính là: Năng lượng sạch; du lịch; nông – lâm - thủy sản; sản xuất chế biến và 2 ngành phụ trợ là giáo dục - đào tạo; xây dựng và kinh doanh bất động sản. Để đi đến quyết định chọn các nhóm ngành trụ cột trên, tỉnh ta đã dựa trên cơ sở phân tích và dự báo về điều kiện đầu tư, về yếu tố sản xuất, khả năng cạnh tranh, các ngành hỗ trợ phát triển, dự báo về cung cầu thị trường của các nhóm ngành và các doanh nghiệp; đồng thời phân tích, đánh giá các tác động của môi trường đầu tư cấp tỉnh và hệ thống thể chế, cơ chế chính sách của quốc gia đến các ngành kinh tế.

 
Khu vực trung tâm Quảng trường 16 Tháng 4. Ảnh: Thanh Long

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sự bứt phá từ tư duy gắn với quy hoạch có tầm nhìn mới đã thể hiện rõ quyết tâm, định hướng cải cách mạnh mẽ môi trường thu hút đầu tư của tỉnh ta, với tham vọng đến năm 2020 kinh tế tỉnh nhà phát triển theo mô hình “kinh tế xanh và sạch”, gắn với yếu tố bền vững. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như năng lượng, du lịch, giáo dục – đào tạo và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng sạch, để xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và trung tâm sản xuất năng lượng sạch của cả nước.

Để cụ thể hóa các mục tiêu quy hoạch, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin về quy hoạch, tiếp cận đất đai, tỉnh ta đã và đang đẩy nhanh hoàn thành và công khai các quy hoạch chi tiết của các huyện, thành phố và các ngành nhằm tăng cường tính minh bạch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường ven biển kết nối với mạng lưới giao thông khu vực và có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy nhanh triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian cho doanh nghiệp, coi đây là khâu đột phá nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và hiệu quả thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ, đến nay môi trường đầu tư của tỉnh ta ngày càng được cải thiện rõ nét. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã có trên 200 lượt đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Qua đó, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 30 dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 37 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 32.000 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trên địa bàn tỉnh đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận nội dung dự án và chấp thuận địa điểm lên 234 dự án (trong đó có 192 dự án đã được cấp giấy phép đầu tư), với tổng vốn đăng ký trên 107.371 tỷ đồng. Đến nay, đã có 83 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, 44 dự án đang triển khai thi công và 65 dự án đang hoàn tất thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhờ đó, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng lên đáng kể, từ vị trí xếp hạng thứ 46 (năm 2011) đã nâng lên vị trí 18 (năm 2012), tăng 28 bậc. Điều đó cho thấy Ninh Thuận đang chuyển mình mạnh mẽ với những bước đi dài, hiệu quả, đây cũng là thời cơ và động lực mới cho tỉnh phát triển trong giai đoạn mới.

Hãy cùng giấc mơ với Ninh Thuận

Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí thuận lợi nằm trên giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên, là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Ngoài ra, tỉnh ta còn được biết đến là tỉnh có diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều và bằng phẳng, có khoáng sản phong phú, nằm cạnh Sân bay quốc tế Cam Ranh, cảng Ba Ngòi của tỉnh Khánh Hòa, có hàng ngàn hécta mặt nước ven biển để phát triển nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối công nghiệp. Đặc biệt hơn tỉnh ta đang có một tiềm năng lớn về phát triển du lịch với bờ biển dài 105 km, những bãi biển hoang sơ, núi non hùng vĩ chạy sát ra biển mang địa danh nổi tiếng như: Vịnh Vĩnh Hy, bãi biển Ninh Chử, Bình Tiên, Cà Ná... đủ điều kiện để xây dựng các trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp. Không chỉ thế, Ninh Thuận còn được đánh giá có tiềm năng phát triển điện gió và năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.

Nhà nước đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng tuyến đường ven biển Ninh Thuận
tạo động lực đưa kinh tế địa phương phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: Sơn Ngọc

Dựa trên thế mạnh này, trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tỉnh ta chủ trương ưu tiên phát triển nhóm ngành năng lượng (bao gồm cả điện hạt nhân và năng lượng tái tạo) và du lịch lên hàng đầu, với tham vọng hướng đến xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch và điểm đến của Việt Nam trong tương lai. Phấn đấu đến năm 2020, cụm ngành năng lượng đóng góp 11% GDP của tỉnh, giải quyết từ 5 - 8 nhu cầu năng lượng quốc gia và chiếm 8% lao động xã hội; cụm ngành du lịch đóng góp 8% GDP và giải quyết 10% lao động xã hội.

Đánh giá về tính khả thi trong thực hiện định hướng phát triển kinh tế theo mô hình “xanh và sạch”, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ngay trong giai đoạn lập quy hoạch, chính các chuyên gia tư vấn nước ngoài lại đánh giá tỉnh ta cao hơn so với nhiều địa phương khác, bởi với xuất phát điểm hiện tại, tỉnh ta có cơ hội tận dụng lợi thế của các xu hướng quốc tế, quốc gia và khu vực để vừa phát triển kinh tế nhưng vừa bảo vệ được môi trường một cách bền vững. Hơn thế, đi kèm với 6 trụ cột, Tập đoàn Monitor cũng đã đề xuất khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch thông qua việc tái tổ chức không gian phát triển hợp lý, chỉ rõ danh mục dự án đầu tư và lộ trình triển khai thực hiện cụ thể. Theo đó, khu vực phía Bắc của tỉnh sẽ ưu tiên cho phát triển du lịch, với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, có quy mô lớn dọc theo ven biển từ Bình Tiên đến Vĩnh Hy. Vùng phía Nam được dành cho phát triển công nghiệp, trọng tâm là Khu công nghiệp Phước Nam và Cà Ná, còn lại là vùng đồng bằng dành để phát triển đô thị và dịch vụ - thương mại.

Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 20 hồ chứa nước dung tích gần 200 triệu mét khối nước bảo đảm nhu cầu sinh hoạt
và sản xuất của nhân dân địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

Để biến tiềm năng vốn có thành cơ hội phát triển, từ năm 2009 đến nay tỉnh ta luôn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Đặc biệt, với tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới, tỉnh thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) theo mô hình Ban Phát triển Kinh tế (EDB) của Singapore, là tỉnh đầu tiên mạnh dạn thuê các nhà tư vấn nước ngoài lập chiến lược Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Mặt khác, để giải quyết vấn đề khô hạn và thiếu nước, với sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh đã xây dựng trên 20 đập và hồ chứa nước, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Sau giải quyết khó khăn về nước, dự kiến sắp tới, tỉnh ta sẽ kêu gọi đầu tư và nỗ lực để xây dựng tại tỉnh một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực với các trường đại học, dạy nghề đảm bảo nhu cầu của tỉnh và khu vực để thu hút nguồn nhân lực cao trong cả nước. Với một quy hoạch cụ thể theo định hướng phát triển nền kinh tế “xanh và sạch”, thân thiện môi trường, tỉnh hy vọng các nhà đầu tư hãy đồng hành và mơ cùng giấc mơ với Ninh Thuận, xây dựng một vùng đất có môi trường sống, môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất trong cả nước.

Đặc biệt, với khát vọng phát triển và truyền thống mến khách của mình, tỉnh ta đang sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến với Ninh Thuận, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án của mình. Ngoài các chính sách ưu đãi, tỉnh ta còn đang xây dựng một môi trường thuận lợi nhất để sinh lợi cho các nhà đầu tư, nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh với một điều kiện sống tốt, một chi phí đầu vào thấp, có chính sách thuế khóa minh bạch, các thủ tục hành chính nhanh gọn.