Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

(NTO) Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là một bộ phận chủ yếu của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, là cơ sở quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và là cầu nối giữa các vùng, miền vói nhau; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển sẽ là chất xúc tác giúp cho hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh phát triển nhanh, bền vững.

Đồng chí Cao Văn Mão
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Ninh Thuận nằm ở khu vực có hệ thống giao thông vận tải Quốc gia xuyên qua, đảm bảo giao lưu giữa hai miền Bắc - Nam, giữa Duyên hải miền Trung với Nam Tây Nguyên. Hiên nay, Ninh Thuận có các phương thức vận tải: Vận tải đường bộ, đường sắt, vận tải biển, vận tải thủy nội địa.

Trong những năm qua, ngành Giao thông vận tải Ninh Thuận phấn đấu thực hiện và đã cơ bản đạt được mục tiêu chung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X, XI, XII đề ra, đó là tạo được hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ, liên thông và từng bước hiện đại. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. Cụ thể, phát triển giao thông của Ninh thuận các năm qua như sau:

Toàn tỉnh hiện có 1.047,49 km đường bộ, trong đó: quốc lộ 174,5 km, Đường tỉnh 322,54 km, Đường huyện 189,9 km, Đường đô thị 128,24 km, Đường xã 238,31 km; mật độ đường giao thông là 0,27km/km2.

Qua 5 năm trở lại đây, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh được tăng tốc đầu tư với nhiều dự án quan trọng có tính thúc đầy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội như: đường Phước Đại - Phước Trung (19km), đường Phước Chiến - Phước Thành (18km), đường Phước Sơn- Hòa Sơn (20km), đường Ninh Bình - Phước Bình (39km), từ Quốc lộ 27 đi Ma Nới (16km), đường đôi vào thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (đoạn phía Bắc 1,9km), Quốc lộ 1A đoạn tuyến tránh thành phố Phan Rang (8,3km), đường An Hòa - Phước Trung - Đồng Mé (31km), đường Hữu Đức- Hậu Sanh (4,5km), đường huyện (6 4,5km), đường từ Quốc lộ 27B đi xã Phước Tân (18km), đường từ Quốc lộ 1A - Phước Thuận - Tỉnh lộ 703 (4,5km) …, cùng nhiều tuyến đường đô thị được chỉnh trang mở rộng, nâng cấp. Xây dựng mới 01 bến xe khách tại huyện Ninh Sơn.

Đường Phước Hòa - Phước Bình (huyện Bác Ái). Ảnh: Văn Miên

Với điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, nên những năm qua, ngành Giao thông - Vận tải tỉnh Ninh Thuận đã chủ động và phối hợp với các cơ quan khác trong tỉnh và các cơ quan của các bộ, ngành TW tham mưu UBND tỉnh xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông bằng nhiều hình thức khác nhau. Kết quả trong 5 năm từ 2008 - 2012 đã huy động được hơn 2.325 tỷ đồng, bao gồm từ các nguồn vốn: Trái phiếu Chính phủ 1.015 tỷ đồng, Ngân sách Trung ương 237 tỷ đồng (nâng cấp QL27B), Ngân sách XDCB tập trung của tỉnh 226 tỷ đồng, vốn ODA 286 tỷ đồng, trong đó: AFD 90 tỷ đồng, ADB 30 tỷ đồng, Jica và Jibic của Nhật Bản 166 tỷ đồng; BOT 560 tỷ đồng (QL1A đoạn tuyến tránh qua Phan Rang), vốn từ các thành phần kinh tế khác hơn 1 tỷ đồng (Các bến xe).

Ngoài ra, nhiệm vụ phát triển giao thông nông thôn- miền núi cũng được chú trọng góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là xây dựng nông thôn mới. Kết quả đã xây dựng được 353,13 km đường liên thôn, khu phố, xóm, nội đồng với kinh phí thực hiện 178,4 tỷ đồng: trong đó ngân sách nhà nước 160,8 tỷ đồng, huy động từ nhân dân 17,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ sau Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tháng10 năm 2009 với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, ngành GTVT đã triển khai xây dựng tuyến đường ven biển với chiều dài 116km bao gồm 8 dự án thành phần với tổng mưc đầu tư 4.350 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay tất cả 8 dự án đã được triển khai, trong đó đã có 2 dự án hoàn thành (đường Vĩnh Hy – Bình Tiên, đường Ninh Chữ - Phan Rang ). Chủ trương của Tỉnh ủy phấn đấu cuối năm 2013 hoàn thành tiếp 5 dự án và đến cuối năm 2014 hoàn thành dự án cuối cùng là Cầu An Đông.

Đường Lê Duẩn - TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Duy Anh

Trong thời gian tới, ngành Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các dự án trọng điểm nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng được đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-

xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22/7/2011. Trước hết hoàn thành và phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ xây dựng 02 nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của nước ta. Cụ thể một số công trình tiêu biểu sau: Đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành toàn bộ tuyến đường ven biển vào năm 2014, xây dựng mới tuyến đường vành đai thành phố Phan Rang - Tháp Chàm dài 49 km (đã đàm phán với nhà tài trợ JICA), nâng cấp cảng Ninh Chữ thành cảng hàng hóa tiếp nhận tàu 10.000 DWT, tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Cà Ná (khu vực Dốc Hầm) tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT, mở các tuyến đường nối hành lang giữa Quốc lộ 1A với đường ven biển …

Mặc dù trong những năm vừa qua trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã được quan tâm đáng kể, từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội – an ninh, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, song thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông trong tỉnh cỏn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, chỉ số mật độ đường trên diện tích còn thấp (0,27km/km2), trong khi mật độ chung cả nước là 0,7km/km2 (năm 2008). Vì vậy việc tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ huy động mọi nguồn vốn để tăng tốc phát triển mạng lưới giao thông theo hướng từng bước hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh là những mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ Tư (khóa XI ) đặt ra cho cả nước nói chung và tỉnh ta trong những năm tới; góp phần xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, khơi dậy và đánh thức tiềm năng của một tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ.