Sắc mới trên vùng đất Phước Bình

(NTO) Xã Phước Bình - địa danh được biết đến như một vùng đất huyền thoại, vùng đất lịch sử của chiến khu Bác Ái anh hùng. Trong kháng chiến chống Mỹ, chính tại nơi đây giữa lưng đèo Gia Túc, bẫy đá Pi-năng Tắc gắn với tên người con anh hùng dân tộc Raglai đã làm nên trận đánh lịch sử, gây khiếp vía biết bao quân thù. Ngày nay, Phước Bình lại đang từng bước làm nên một vùng đất “huyền thoại mới” về sự đổi thay mạnh mẽ trong phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội.

Một ngày đầu tháng Tư, chúng tôi đi ngược theo hướng Tây Bắc tìm về với vùng đất huyền thoại Phước Bình của huyện miền núi Bác Ái. Ít ai ngờ rằng, ở nơi cao và xa nhất tỉnh này, với địa hình chỉ có đồi núi dốc, đồng bào dân tộc Raglai từng “ vật lộn” với cái đói, cái nghèo, thì nay Phước Bình đang tự hào là xã “giàu” nhất huyện.

Khu tái định cư xã Phước Bình (Bác Ái).

Phát huy thế mạnh đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo mô hình kinh tế vườn - rừng, Phước Bình đã từng bước mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Để minh chứng cho những đổi thay của địa phương, đồng chí Pi-năng Hoàng, Chủ tịch UBND xã cử cán bộ đưa chúng tôi đi một vòng từ thôn Gia É, qua các thôn Hành Rạc, Bạc Rây rồi ngược về Bố Lang. Ngỡ ngàng thay! dọc theo con đường nhựa được nối qua các thôn kéo dài đến tận khu vực giáp ranh tỉnh Khánh Hòa, trải dài và đập vào mắt chúng tôi là những vườn đồi, cây trái xanh mướt, đâu đâu người dân cũng hăng say lao động sản xuất. Không ngỡ ngàng sao được, khi mới vài năm trước đây, toàn xã chỉ có vài chục ha cây trồng chủ yếu là cây bắp địa phương, cây đậu xanh…sản xuất mang tính tự cung tự cấp, hằng năm phải “chờ” nhận cứu đói giáp hạt của Nhà nước, thì nay đã khác. Sản xuất của người dân địa phương đang phát triển mạnh theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, thu lợi nhuận cao.

Toàn xã hiện có gần 1.000 ha bắp, trong đó mô hình phát triển bắp lai được đánh giá là mạnh nhất huyện với diện tích trên 600 ha, năng suất luôn ổn định từ 4- 5 tấn/ha/vụ. Thương hiệu chuối Phước Bình hiện đang “rất nổi”, với hơn 700 ha phủ xanh các gò đồi. Sản phẩm chuối ở đây không chỉ cung cấp cho thị trường tỉnh nhà, mà còn cung cấp cho các tỉnh ngoài như Đồng Nai, Khánh Hòa…Theo tính toán, nếu mỗi hộ trong xã có khoảng 1ha chuối, tương đương vài trăm gốc, với giá ổn định từ 2.500 - 3.000 đồng/kg thì sẽ cho thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Được biết nhờ vào cây chuối nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí trở thành hộ khá giả của địa phương.

Cây sầu riêng đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho người dân trong tương lai.

Trong phát triển kinh tế, ngoài các loại cây đang cho thu nhập ổn định, địa phương đã mạnh dạn trồng thử nghiệm nhiều diện tích cây ăn trái, cây lâu năm như: điều, cà phê, mít ruột đỏ, sầu riêng…nhằm mang lại nguồn lợi cao về kinh tế. Điển hình là có 15ha sầu riêng lấy giống từ Đồng Nai được trồng thí điểm vào năm 2010, đến nay qua thu hoạch đợt đầu đã cho kết quả khả quan, với giá bán từ 27.000 – 35.000 đồng/kg. Theo tính toán mỗi 1ha điều, người trồng có thể thu lợi vào khoảng 70 triệu đồng/năm. Được biết, đây cũng là loại cây công nghiệp mà địa phương xác định sẽ mở rộng diện tích lên đến 100ha, theo định hướng phát triển cây trồng kinh tế cao đến năm 2020. Thực hiện chủ trương giao rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, xã Phước Bình được giao hơn 5.200 ha rừng cho 256 hộ/6 thôn bảo vệ, mỗi cộng đồng chăm sóc, bảo vệ gần 1.000 ha. Đồng chí Pi-năng Hoàng, phấn khởi cho biết: “Những năm trở lại đây, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương đã có sự phát triển rất rõ rệt. Đặc biệt từ khi có Chương trình 30a của Chính phủ, cùng nhiều chương trình, chính sách khác đời sống nhân dân ngày càng được ổn định. Bà con có ý thức ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác vùng đất gò đồi để phát triển nông nghiệp từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, rất nhiều công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn xã được đầu tư khang trang phục vụ tốt nhu cầu dân sinh của người dân. Một trong những số đó, có thể kể đến 2 khu tái định cư thôn Hành Rạc II và Bạc Rây II, với hơn 180 căn nhà được xây dựng đã đáp ứng được nơi ở ổn định cho các hộ dân trong vùng sạt lở, ven sông, suối và hộ khó khăn về nhà ở, từ đó giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng ngày càng được hoàn thiện. Theo thống kê, hiện toàn xã đã có hơn 90% số hộ có nhà xây kiên cố (không còn nhà tạm bợ); hơn 95% đường giao thông được bê tông hóa từ trung tâm xã về các thôn; 65% đường giao thông nội thôn được cứng hóa, hầu hết hộ dân đều có điện thắp sáng và nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; 95% trẻ em đi học theo đúng độ tuổi, 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên, số hộ nghèo hằng năm giảm từ 7 -8%. Phước bình cũng là địa phương đầu tiên của huyện miền núi Bác Ái “tuyên bố” thoát đói giáp hạt kể từ sau khi có Chương trình 30a của Chính phủ.

Một ấn tượng nữa phải kể đến của Phước Bình hôm nay, đó là sự nghiệp giáo dục đang được chính quyền và nhân dân quan tâm chăm lo. Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống trường học khang trang, trải đều ở các địa bàn thôn, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện nay toàn xã có 6 điểm trường mẫu giáo, tiểu học, THCS đáp ứng cho hơn 1.100 em học sinh theo học. Tình trạng người dân mù chữ, học sinh bỏ học đã giảm dần. Hiện địa phương có 6 em đang theo học các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Các phong trào Xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc…được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Đồng bào nơi đây vẫn luôn giữ vững niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đoàn kết, xây dựng đời sống ngày một đi lên.

Chia tay Phước Bình trong cái nắng gắt của những ngày Tháng tư lịch sử, dọc theo lưng đèo Gia Túc, ngắm nhìn bẫy đá Pi-năng Tắc huyền thoại chúng tôi tin rằng không lâu nữa, Phước Bình vùng đất anh hùng trong kháng chiến sẽ lại một lần nữa trở thành “anh hùng trong xây dựng công cuộc mới”, cuộc sống nhân dân ngày thêm no ấm, hạnh phúc.