Những thay đổi ở vùng đồng bào dân tộc Chăm

(NTO) Người Chăm ở tỉnh ta có khoảng 73.859 người, với 14.536 hộ (chiếm gần 12% dân số của tỉnh, gần 50% số người Chăm của cả nước), sống tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng, xen kẽ với các dân tộc anh em ở 22 làng (35 thôn) thuộc 13 xã của 7 huyện, thành phố trong tỉnh.

Trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, dân tộc Chăm luôn đoàn kết với các dân tộc trong tỉnh, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Có nhiều gương sáng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như Anh hùng Liệt sĩ Đổng Dậu, Liệt sĩ Phú Như Lập, Liệt sĩ Tài Đại Thông….

Đường vào trung tâm xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Ảnh: Văn Miên

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện qua các văn bản cụ thể như: Chỉ thị số 121-CT/TW, ngày 26-10-1981, Thông tri số 03-TT/TW, ngày 17-10-1991 của Ban Bí th­ư Trung ­ương Đảng và Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg, ngày 18-2-2004 của Thủ tướng Chính phủ cùng với việc quan tâm triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, đã làm chuyển biến trong nhận thức của nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác đối với đồng bào Chăm. Ý thức tự lực phấn đấu vươn lên của đồng bào Chăm trong tỉnh có nhiều tiến bộ. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm phát triển khá rõ nét. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt....

Trước đây, ở vùng đồng bào Chăm sinh sống, đường giao thông đi lại rất khó khăn, chưa có điện thắp sáng, hệ thống cung cấp nước sạch hầu như không có. Nhiều làng chỉ có trường tiểu học, khi lên Trung học phải đi học xa, điều kiện ăn ở, đi lại rất khó khăn nên những nhà nào khá giả, giàu có, mới nuôi con đi học. Những hộ gia đình nghèo đều phải cho con ở nhà, vì vậy những người tốt nghiệp Tú tài (tốt nghiệp THPT) và tốt nghiệp Đại học ở các làng chỉ đếm trên đầu ngón tay...

Hiện nay, ở các vùng đồng bào Chăm sinh sống, đường giao thông đi lại thuận tiện cả hai mùa mưa, nắng. Nhiều làng thực hiện bê-tông hóa đường nội thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; 100% xã nơi vùng đồng bào Chăm sinh sống đều có trạm y tế và Trường trung học cơ sở. Hầu hết các làng đều có trường tiểu học, lưới điện quốc gia và hệ thống cấp nước sinh hoạt. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhà ngói xây kiên cố, mua sắm phương tiện phục vụ đời sống sinh hoạt ngày càng nhiều. Những hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở và cấp bảo hiểm y tế. Trường THPT Dân tộc nội trú của tỉnh được tu sửa đẹp đẽ và khang trang.

Trường Tiểu học Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Ảnh: Thanh Long

Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm được xây mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm có hiệu quả. Ban Biên soạn sách chữ Chăm (nay là Phòng Giáo dục Dân tộc) ngày càng được củng cố để làm tốt công tác tham mưu về giáo dục dân tộc. Tiếng Chăm được phát thanh trên truyền hình của Trung ương và của tỉnh. Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi của Thông Tấn Xã Việt Nam được biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Chăm để phục vụ cho những người có nhu cầu học tiếng Chăm. Các tổ chức thuộc tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào Chăm như: Hội đồng Sư cả tôn giáo Bàni, Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn, Ban Đại diện cộng đồng Islam Ninh Thuận được thành lập. Các làng nghề thủ công truyền thống được hỗ trợ để phát triển. Đã hỗ trợ cho các hộ làm nghề dệt thổ cẩm ở làng Mỹ Nghiệp (Phước Dân-Ninh Phước) với số vốn trên 9 tỷ đồng, hỗ trợ cho các hộ làm nghề gốm ở làng Vĩnh Thuận (Phước Dân-Ninh Phước) trên 7 tỷ đồng. Đã trùng tu Tháp Pô Klong Garai trên 10 tỷ đồng, trùng tu Tháp Pô Rômê trên 10 tỷ đồng, trùng tu Tháp Hoà Lai (Ba Tháp) trên 9 tỷ đồng. Nhà văn hóa xã ở các vùng đồng bào Chăm sinh sống được quan tâm xây dựng. Học sinh người Chăm tốt nghiệp THPT được vào học các lớp Cử tuyển và Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương trong toàn quốc...

Đến nay, có hơn 1000 sinh viên người Chăm tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hiện đang làm việc ở các cấp, các ngành trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trong số đó, có nhiều người tiếp tục học sau đại học và đã có bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa I, .... Có 5 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 7 bác sĩ chuyên khoa I là người Chăm ở tỉnh ta đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác; trên 11 thạc sĩ đang làm việc ở các cấp, ngành của tỉnh, trên 20 bác sĩ chuyên khoa I đang làm việc tại các bệnh viện trong tỉnh và 2 Bác sĩ đang học chuyên khoa II....

Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ người Chăm được quan tâm. Trong số cán bộ người Chăm đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, có 2 đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 3 đồng chí là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 1 đồng chí là đại biểu Quốc hội, đang giữ các vị trí quan trọng như: Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Phó Giám đốc Sở Y tế, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, Phó Bí thư huyện uỷ; Phó Chủ tịch HĐND huyện và giữ nhiều chức danh như: Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND ở các xã, thị trấn...

Đạt được những kết quả trên tất cả các lĩnh vực ở vùng đồng bào Chăm là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, trực là các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào Chăm. Thành quả đó đã làm cho đồng bào Chăm phấn khởi, càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quá trình hội nhập và phát triển.