Thuận Nam: Nỗ lực để trở thành trung tâm kinh tế phía Nam của tỉnh

(NTO) Với những lợi thế hiện có, huyện Thuận Nam đang tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng dự án, công trình trọng điểm để đưa vào khai thác, tạo động lực thu hút đầu tư, đưa vùng đất phía Nam của tỉnh chuyển mình phát triển thành trung tâm kinh tế công nghiệp trọng điểm.

Tiềm năng được đánh thức

Thuận Nam có bờ biển dài trên 43 km, với vùng lãnh hải rộng trên 7.200 km2, đáy biển sâu, độ mặn cao, có nhiều cát, san hô, nguồn lợi thủy sản phong phú. Trong những năm qua, Thuận Nam đã khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển, phát triển công nghiệp chế biến và sản xuất muối.

Biển Cà Ná - Một trong những điểm đến lý tưởng của du khách. Ảnh: Văn Miên

Hiện nay, tổng số tàu thuyền của toàn huyện là 990 chiếc, với tổng công suất 119.227 CV, sản lượng khai thác hải sản trung bình đạt 40.500 tấn/năm. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có diện tích hơn 440 ha (chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng) và 350 ha diện tích mặt nước nuôi trồng rong sụn, với tổng sản lượng 7.840 tấn/năm. Sản lượng thủy- hải sản khai thác không những cung cấp thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh mà còn là nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và hơn 500 cơ sở chế biến thủy sản, với sản lượng cá hấp đạt 1.500 tấn và 5 triệu lít nước mắm mỗi năm. Sản xuất thuỷ sản trên địa bàn huyện đã có bước phát triển mạnh, hàng năm đóng góp từ 400 đến trên 700 tỷ đồng vào tổng giá trị sản xuất của toàn huyện, giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động. Có thể thấy rằng, khai thác hải sản, nuôi trồng thuỷ sản là một trong những thế mạnh của huyện Thuận Nam, hàng năm đóng góp trên 55% giá trị sản xuất thuỷ sản của tỉnh.

Song song đó, tiềm năng về năng lượng và tài nguyên khoáng sản cũng được Thuận Nam khai thác có hiệu quả. Theo quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 thì Thuận Nam nằm trong vùng trọng điểm phía Nam ưu tiên phát triển công nghiệp, trong đó tập trung thực hiện 5 dự án động lực: Nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện gió, khu công nghiệp Phước Nam, khu sản xuất muối Quán Thẻ và nhà máy sản xuất các sản phẩm sau muối. Riêng đối với nhà máy điện hạt nhân, xã Phước Dinh đã được chọn làm địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 1. Ngoài ra, với trữ lượng tài nguyên khoáng sản phong phú như đá xây dựng 368,8 triệu m3; nguồn đá granite trữ lượng 9,5

Chế biến cá hấp. Ảnh: Văn Bửu

triệu m3; trữ lượng sét trên địa bàn huyện có khoảng gần 7 triệu m3.... Hiện nay, huyện Thuận Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án với tổng số đầu tư hơn 13.739,6 tỷ đồng. Các dự án này tập trung đầu tư khai thác ở các lĩnh vực năng lượng gió, khoáng sản, một số dự án đang triển khai có hiệu quả, đem lại nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Huyện cũng đã chấp thuận địa điểm đầu tư cho 8 dự án với tổng số vốn đăng ký 21.682,5 tỷ đồng…

Phát triển nhanh, bền vững

đồng chí Võ Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của huyện là phát huy lợi thế, tiềm năng, xây dựng và phát triển Thuận Nam trở thành một trong những địa phương có kinh tế biển phát triển, trên cơ sở phát triển một số chương trình, dự án lớn nằm trong hệ thống các công trình trọng điểm quốc gia, trọng điểm của tỉnh như: Cảng biển, năng lượng, sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp muối và hoá chất sau muối, đánh bắt hải sản xa bờ, công nghiệp chế biến hải sản, khai thác và chế biến khoáng sản, du lịch biển và ven biển, các khu công nghiệp ven biển gắn với xây dựng nông thôn mới; đô thị hoá vùng ven biển; bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh vùng biển.

Mùa cá cơm. Ảnh: Văn Bửu

Theo đó, huyện Thuận Nam đang đẩy nhanh thi công hạ tầng các khu, cụm công nghiệp: Khu công nghiệp Phước Nam, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện, Khu công nghiệp Cà Ná và Dự án đầu tư muối công nghiệp xuất khẩu Quán Thẻ. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn với phát triển đô thị công nghiệp dịch vụ, phát triển hạ tầng nông thôn góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với trọng tâm: Đầu tư hình thành tổ hợp kết cấu hạ tầng làm tiền đề cho phát triển hành lang kinh tế Quốc lộ 1A và hành lang đường ven biển gồm: Hạ tầng nhà máy điện hạt nhân, đường ven biển Phú Thọ - Mũi Dinh - Cà Ná, cảng hàng hoá Cà Ná, nâng cấp và mở rộng cảng cá Cà Ná với công suất bốc dỡ 15 triệu tấn/năm, các cơ sở hậu cần cho phát triển nghề cá và làm nơi tránh trú bão cho tàu thuyền... Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu hành chính huyện theo quy hoạch và khu đô thị công nghiệp với quy mô hơn 1.200 ha, tạo nên một trung tâm hành chính, khu đô thị hiện đại năng động, thân thiện, góp phần nhanh chóng thực hiện mục tiêu hình thành thị trấn Phước Nam trở thành đô thị loại IV, với chức năng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của huyện; xây dựng thị trấn Cà Ná là đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2015.