Sản xuất công nghiệp khởi sắc

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến Bộ Công Thương chiều 4-3, Bộ Công Thương cho biết: Hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ, báo hiệu sự khởi sắc quan trọng.

Thúc đẩy sản xuất, giải phóng hàng tồn kho

Một số ngành sản xuất có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ gồm: Phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng gần 46%; giày dép tăng gần 36%; bê tông và các sản phẩm thạch cao tăng hơn 25%; hóa chất tăng 24%, thiết bị điện tăng gần 21%...

Sản xuất hàng điện lạnh, điện gia dụng tại Công ty Điện lạnh Hòa Phát
(khu công nghiệp Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Cùng với sự khởi sắc của sản xuất, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp cũng có những tín hiệu tích cực khi chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24% so với cùng kỳ; trong đó các sản phẩm có sức tiêu thụ mạnh như: đường tăng 55%, xi măng tăng 53%, sản phẩm plastic tăng gần 41%, ô tô xe máy tăng 38%, giấy bìa tăng 30%. Chính vì vậy, chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo đã giảm nhẹ so với các tháng trước. Tính đến thời điểm này, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 19,9% so với cùng kỳ, trong khi con số tồn kho các tháng trước đây đều trên 21%.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Nguyễn Văn Biên, sản xuất và tiêu thụ ngành than đã có sự cải thiện. Hai tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ, tiêu thụ tăng 14%, giúp tình trạng tồn kho cao của doanh nghiệp những tháng trước đây được giải tỏa và về với định mức chung các năm là 6,7 triệu tấn. Tuy nhiên, khó khăn cũng chưa phải đã hết bởi sản lượng tiêu thụ tăng tới 14% nhưng giá bán lại giảm tới 26% tại thị trường thế giới.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, giải phóng hàng tồn kho, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thấp nhất. Cùng với giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước, Bộ Công Thương tiếp tục điều tiết cung cầu linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, tăng cường kiểm soát thị trường, chống hàng nhái, hàng giả hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước. 

Nỗ lực đảm bảo cung ứng xăng dầu, điện

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Theo quy luật, những tháng sau Tết Nguyên đán giá xăng dầu thế giới thường tăng nên giá xăng dầu bị ảnh hưởng. Nắm được quy luật đó, Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương và liên tục theo dõi sát giá thế giới để đưa ra các phương án điều hành. Sau Tết giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng nhưng để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên Liên Bộ đưa ra quyết định không tăng giá bán lẻ xăng dầu mà tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn.

Về hiện tượng găm hàng chờ tăng giá xăng dầu, Cục Quản lý thị trường cho biết, vừa qua, khi có tin đồn liên quan đến tăng giá xăng dầu, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo cho lực lượng chi cục quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm soát. Đặc biệt đối với địa bàn phía Nam, Cục Quản lý thị trường phía Nam đã tổ chức làm việc ngay với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng như các đơn vị cung ứng trên địa bàn. Chính vì vậy, suốt gần 10 ngày có tin đồn, số lượng các cửa hàng đóng cửa rất ít. Một số địa bàn có thông tin đóng cửa thì qua kiểm tra cho thấy, các cửa hàng đóng cửa có lý do chính đáng. Ví dụ, Hà Nội có 4 cửa hàng dừng bán do đang sửa chữa. “Việc cung ứng xăng dầu ra thị trường thời gian qua tương đối tốt. Tuy nhiên cũng có một số do doanh nghiệp đầu mối chậm cung cấp trong vòng 1 - 2 ngày nhưng sau đó được giải quyết ngay”, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý thị trường nói.

Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ đảm bảo cung ứng điện mùa khô đảm bảo cho sản xuất. Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật tình hình sản xuất điện và đặt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện từ tháng 3 đến tháng 6 đáp ứng đủ cho sản xuất. Theo dự báo tình hình thủy văn, do lượng mưa thấp hơn nên tình hình sản xuất ngành thủy điện có những khó khăn nhất định. Vì vậy, để đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN cùng với Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải đảm bảo vận hành các nhà máy điện. Trong trường hợp các dự án thủy điện không đáp ứng đủ nhu cầu thì phải tăng phát điện từ hệ thống các nhà máy nhiệt điện…

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN