Điều chỉnh tỷ giá thận trọng để kiểm soát lạm phát

Theo Ủy ban Giám sát tài chính (UBGSTC) Quốc gia, trong thời gian tới, việc điều chỉnh tỷ giá cũng như giá điện, nước và các dịch vụ công khác cần theo hướng thận trọng để thực hiện mục tiêu đưa lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012 (dưới mức 6,8%).

Đủ lực để can thiệp bình ổn tỷ giá

Trước những biến động tỷ giá vào tháng 2/2013 (giá giao dịch USD tại các ngân hàng bất ngờ tăng lên 21.036 đồng, tăng khoảng 0,8% so với tháng 1/2013, trong khi đó giá USD tại thị trường tự do có lúc chạm 21.120 đồng, cao hơn giá USD trong ngân hàng khoảng 0,5%), đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: Sẵn sàng ổn định tỷ giá bằng nguồn dự trữ ngoại hối. Thực tế ngay sau đó, “cơn sốt” ngoại tệ đã hạ nhiệt.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - Chi nhánh Hải Phòng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Đại diện NHNN dù không tiết lộ số lượng dự trữ ngoại tệ cụ thể của Việt Nam tại thời điểm hiện nay nhưng theo các số liệu công bố trước đó, chỉ riêng năm 2012, NHNN đã mua vào lượng ngoại tệ lớn, lên tới 15 tỷ USD và từ đầu năm 2013 đến trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, cơ quan này tiếp tục mua thêm 5 tỷ USD. Số ngoại tệ nói trên kết hợp với lượng dự trữ ngoại hối trước đó (khoảng trên dưới 12 tỷ USD), thì đến thời điểm này, tính ra Việt Nam đang có lượng ngoại tệ mạnh dự trữ không dưới 30 tỷ USD. Đây có thể là mức dự trữ ngoại hối cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay, đủ sức can thiệp khi thị trường có biến động “nóng, lạnh” bất thường…

Tuy nhiên, vào ngày 4/3, giá USD tự do lại tăng mạnh. Tại Hà Nội, một số điểm giao dịch ngoại tệ “chợ đen” báo giá mua vào USD ở mức 21.160 - 21.170 đồng (mua vào) và 21.210 - 21.220 đồng (bán ra), tăng 40 đồng/USD so với cuối tuần qua. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, giá USD đang đứng ở mức dưới 21.000 đồng. Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 4/3, giá niêm yết mua USD vào ở mức 20.900 đồng và bán ra ở mức 20.970 đồng; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) niêm yết giá ngoại tệ này ở các mức tương ứng lần lượt là 20.860 đồng và 20.990 đồng.

Đại diện UBGSTC Quốc gia cho rằng: Hiện nay, nhu cầu thực về ngoại tệ là không thực sự lớn và tỷ giá hối đoái sẽ sớm ổn định trở lại vì thị trường ngoại hối vẫn đang ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực như: Dự trữ ngoại hối ở mức khá cao (dự trữ ngoại hối đủ cho khoảng 14 - 16 tuần nhập khẩu); xuất siêu tiếp tục đạt khá. Theo Tổng cục thống kê, cả nước ước xuất siêu 1,68 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2013. Thêm nữa, thị trường tự do chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ nên việc ổn định tỷ giá hoàn toàn có cơ sở. 

Điều chỉnh tỷ giá khi lạm phát ổn định

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: Năm 2013, NHNN nên cho phép tỷ giá biến động trong giới hạn 3%. Theo ông Hiếu, tỷ giá ổn định thời gian khá dài có lợi cho nhập khẩu nhưng lại gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này một phần do biến động tỷ giá (năm 2012 ở mức 1%) thấp hơn lạm phát (ở mức 6,8%) nhiều lần. “Sang năm 2013, tỷ giá sẽ tiếp tục được giữ ở mức ổn định nếu một số điều kiện vĩ mô không thay đổi nhiều. Nếu lạm phát tăng trở lại trên mức 10%, chắc chắn sẽ có tác động rất xấu tới tỷ giá”, ông Hiếu nói.

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết: Việc cân nhắc điều chỉnh tỷ giá cần được xem xét thận trọng. Năm nay, Chính phủ giao cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ phải kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Nhiệm vụ này đặt ra trong bối cảnh NHNN phải thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn kinh doanh như: Xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho bất động sản.

Việc thận trọng trong điều chỉnh tỉ giá là nhằm tránh những tác động xấu lên lạm phát. Tính toán của UBGSTC Quốc gia cho hay: Nếu VND giảm giá 3% sẽ góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm khoảng 0,3 - 0,4%. Trong khi đó, CPI sẽ tăng thêm 0,4% nếu giá điện tăng 10%, và tăng thêm 0,1- 0,15% nếu giá xăng tăng khoảng 5%. Chỉ tính riêng 3 yếu tố này nếu được điều chỉnh vào cùng thời điểm sẽ góp phần làm CPI tăng khoảng 0,8 - 1%. Những con số và phân tích này cho thấy, việc điều chỉnh tỉ giá cũng như giá điện, nước và các dịch vụ công khác cần phải rất thận trọng và có sự phối hợp chặt chẽ.

Dù cho rằng chưa cần thiết và chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tỷ giá ở thời điểm hiện nay khi xuất khẩu vẫn tăng khá và kiểm soát lạm phát vẫn còn không ít thách thức, nhưng đại diện UBGSTC Quốc gia cũng kiến nghị: Cần tính đến việc điều chỉnh tỉ giá khi có điều kiện. Khi mục tiêu kiểm soát lạm phát trở nên hiện thực hơn thì cần thiết xem xét điều chỉnh tỷ giá để giảm bớt sức ép điều chỉnh trong trung hạn.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN