Kinh nghiệm kết nạp đảng viên trên địa bàn dân cư của Đảng bộ xã Phước Thuận

(NTO) Trong những năm qua, Đảng bộ xã Phước Thuận (Ninh Phước) đã lãnh đạo hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khai thác tiềm năng lợi thế làm thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn địa phương. Thành tựu trên đã phản ảnh tác động tích cực của công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên (ĐV) mới trên địa bàn dân cư nông thôn.

Đảng bộ xã Phước Thuận hiện có 159 ĐV sinh hoạt ở 16 chi bộ trực thuộc bao gồm 7 chi bộ thôn, 7 chi bộ trường học (1 trường THCS, 5 trường tiểu học, 1 trường ẫu giáo), 1 chi bộ cơ quan và 1 chi bộ Quân sự. Là tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) luôn làm tốt công tác phát triển Đảng, trong 5 năm của nhiệm kỳ trước (2006-2010), toàn Đảng bộ đã kết nạp mới 43 ĐV, vượt 10,3% chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đề ra. Tuy nhiên ẩn sau thành tích này là thực trạng đáng lo vì số ĐV mới có gần 80% là phát triển trong các trường học, một số ít ở lực lượng Dân quân, còn trên địa bàn dân cư thì càng hiếm hơn. Thực trạng này được coi là nguyên nhân dẫn đến việc cơ cấu nhân sự cấp ủy các chi bộ thôn gặp nhiều trở ngại. Thực vậy, dù tiến hành đúng theo quy trình hướng dẫn và phát huy tính dân chủ rất cao, nhưng trong Đảng bộ có 4 chi bộ thôn không tìm được nhân sự như yêu cầu đổi mới nên Đảng ủy xã phải tăng cường 4 cán bộ đương chức cấp xã về tham gia sinh hoạt và đảm nhiệm cương vị Bí thư chi bộ. Trước tình hình trên, Đảng ủy xã Phước Thuận xác định trong phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2011-2015, đối với công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ sẽ có giải pháp tích cực chú trọng kết nạp ĐV mới trên địa bàn dân cư, trước hết là trong các đoàn thể dưới thôn, lực lượng Dân quân. Riêng công tác nhân sự sẽ có dự nguồn kế cận, các cán bộ xã tăng cường sẽ chuyển giao lại chức danh Bí thư chi bộ cho ĐV được quy hoạch sau một thời gian đào tạo thực tiễn.

Đồng chí Lê Ngọc Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thuận cho biết: “Bước vào nhiệm kỳ mới, ngay từ năm 2011 toàn Đảng bộ đã tập trung đẩy mạnh thực hiện kết nạp ĐV ở địa bàn dân cư và bố trí, đào tạo cán bộ kế cận ở các thôn và đã thực sự tạo ra chuyển biến tiến bộ”. Nếu năm 2010 trong 10 ĐV mới kết nạp có 5 người là giáo viên và 5 người công tác ở xã thì trong năm 2011, Đảng bộ xã Phước Thuận đã kết nạp 7 ĐV trên địa bàn dân cư, 4 ĐV là giáo viên và năm 2012 kết nạp 8 ĐV trên địa bàn dân cư, chỉ có 2 ĐV mới kết nạp là giáo viên. Có thể nhận ra càng về sau, tỷ lệ ĐV kết nạp trên địa bàn dân cư tăng dần và kết nạp trong lực lượng giáo viên giảm dần. Riêng trong kế hoạch phát triển 11 ĐV mới năm nay, Đảng bộ xã Phước Thuận dự kiến trong cơ cấu có 70% là kết nạp ở địa bàn dân cư. Sự chuyển biến của công tác kết nạp ĐV mới trên địa bàn dân cư đã tác động mạnh mẽ đến công tác xây dựng Đảng, từ chỗ các chi bộ thôn trực thuộc có hiện tượng “lão hoá”, phải cử ĐV là CB xã đương chức về đảm nhiệm vai trò cấp uỷ chủ chốt, 2 năm qua cơ cấu tổ chức của Đảng bộ xã Phước Thuận dần đổi mới, hiện nay cấp uỷ các chi bộ đều là ĐV tại chỗ, trừ chi bộ thôn Thuận Lợi mới thành lập nên phải cử cán bộ xã về sinh hoạt và tạm thời đảm nhận vai trò bí thư cấp uỷ.

Trao đổi với chúng tôi về kết quả trên, đồng chí Lê Ngọc Dũng nói: “Các ĐV kết nạp trên địa bàn dân cư hầu hết là thanh niên nông thôn, một số trong lực lượng dân quân thôn. Điều đáng mừng là chất lượng ĐV nâng lên, đa số đều có trình độ học vấn, chuyên môn nên đã tạo sinh lực mới, giúp nâng năng lực lãnh đạo của các chi bộ thôn”. Theo kinh nghiệm của Đảng ủy xã Phước Thuận, để phát triển ĐV là các thanh niên nông thôn, trước hết phải làm tốt công tác tạo nguồn, bố trí công việc cho đối tượng để thử thách, qua đó phát hiện các đối tượng ưu tú và có kế hoạch bồi dưỡng về nhận thức chính trị. Một cách làm đáng chú ý của cấp uỷ xã Phước Thuận là chọn đối tượng thanh niên chuẩn bị lên đường làm nghĩa vụ quân sự, sau khi bồi dưỡng kết nạp, các ĐV trẻ này có thời gian sinh hoạt 3 kỳ tại chi bộ thôn trước khi nhập ngũ, chẳng hạn năm 2012 đã có 3 thanh niên làm nghĩa vụ quân sự được kết nạp Đảng như thế. Các ĐV này khi vào Quân đội, có người tiếp tục phát triển, có người sau khi hoàn thành nghĩa vụ lại trở về địa phương, trở thành nguồn bổ sung cho các chi bộ địa bàn dân cư. Đơn cử năm 2011 đã có 2 ĐV là quân nhân xuất ngũ về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn Thuận Lợi.

Nhờ quan tâm kết nạp ĐV ở địa bàn dân cư và bố trí, đào tạo cán bộ kế cận ở địa phương, Đảng bộ xã Phước Thuận đã 3 năm liên tục (2010, 2011, 2012) là TCCSĐ trong sạch, vững mạnh và đang được Huyện uỷ Ninh Phước đề nghị Tỉnh uỷ khen thưởng. Đặc biệt các chi bộ thôn đều phát huy vai trò lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và hệ thống chính trị xã đã có thêm lực lượng cán bộ trẻ, năng động, sẵn sàng xung kích trong mọi lĩnh vực hoạt động của địa phương.