Du lịch Ninh Thuận- sang trang hay mới chỉ là khởi sắc?

(NTO) Xưa nay, người ta nói nhiều đến vẻ đẹp tiềm ẩn của Ninh Thuận, ca ngợi vẻ đẹp của bờ biển, ca ngợi sự phong phú đa dạng của văn hoá các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai tỉnh Ninh Thuận, ca ngợi những đặc sản nông nghiệp hiếm có ở Việt Nam như nho, táo, hành tỏi, dê, cừu, những đặc sản làng nghề như thổ cẩm, gốm Chăm, đồ gỗ Ninh Sơn v.v…

Đồng chí Phan Quốc Anh,
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tuy nhiên, ít người nói đến du lịch Ninh Thuận hay nói cách khác là Ninh Thuận chưa có tên trên bản đồ du lịch ở Việt Nam. Các công ty lữ hành chưa quan tâm tìm đến, hoặc có tìm đến rồi lại bỏ đi sau vài lần đưa khách đến nhưng không hiệu quả. Hệ thống khách sạn, resort, cơ sở lưu trú có hạng sao của Ninh Thuận hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, hệ thống giao thông đường bộ xuống cấp, các loại hình dịch vụ du lịch yếu kém nên du lịch Ninh Thuận bị bao vây giữa 3 trung tâm du lịch lớn là Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt. Hệ thống khách sạn và các cơ sở phục vụ du lịch vắng khách, nhất là mùa đông và mùa xuân. Đa số các khách sạn thua lỗ, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch có tay nghề bỏ đi nơi khác do thiếu việc làm và thu nhập thấp. Các khách sạn quay sang xin miễn giảm các loại thuế và không dám bỏ vốn đầu tư nâng cấp, chỉnh trang. Các nhà đầu tư du lịch nhân từ đó cũng không mạnh dạn đầu tư các dự án. Nhiều dự án chậm triển khai buộc tỉnh phải rút giấy phép đầu tư. Ai đến Ninh Thuận đều nói Ninh Thuận có tiềm năng du lịch. Có người còn ví du lịch biển Ninh Thuận như một nàng tiên cá ngủ quên.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011 – 2015, Nghị quyết 07 về Phát triển Du lịch Ninh Thuận từ năm 2011 – 2020 và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, định hướng phát triển du lịch Ninh Thuận ngày càng rõ nét. Thời gian gần đây, du lịch tỉnh ta đang khởi sắc. Số lượng du khách tăng nhanh, nhất là khách quốc tế đến từ Liên Bang Nga. Thời gian lưu trú của khách cũng dài hơn. Đây là thành quả của cả quá trình quảng bá, xúc tiến du lịch và các hoạt động sự kiện văn hoá - thể thao trong những năm qua.

 
Một góc thắng cảnh Cà Ná. Ảnh: Văn Miên

Trước hết phải nói đến sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đối với Ban chỉ đạo du lịch của tỉnh, là kết quả của sự ký kết hợp tác kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong vùng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo ấy, các ngành, các cấp đã nỗ lực hết mình cho sự phát triển du lịch. Ngoài sự nỗ lực của cơ quan thường trực là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố, nhất là UBND Tp. Phan Rang– Tháp Chàm và huyện Ninh Hải, đã rất cố gắng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong đó có những nhiệm vụ tưởng chừng như không thể thực hiện như việc giải toả các lồng bè nuôi tôm hùm khu vực biển Bình Sơn – Ninh Chử, giải toả các hộ kinh doanh vỉa hè, công tác vệ sinh, môi trường...

Trong hơn một năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã hàng chục lần tiếp xúc với nhiều công ty lữ hành, tham gia các hội chợ quảng bá du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia quảng bá bằng các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Tham gia quảng bá hình ảnh thông qua Năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ. Tổ chức đón tiếp trọng thị đoàn Famtrip đến từ Liên Bang Nga. Phối hợp công ty lữ hành quảng bá hình ảnh Ninh Thuận tại hội chợ Du lịch tổ chức tại Liên Bang Nga. Ngoài ra, thông qua các sự kiện văn hoá, thể thao quốc gia và quốc tế được tổ chức quy mô trong những năm qua, được đăng tải trên báo mạng nhiều lần đã phần nào quảng bá được hình ảnh quê hương, đất nước, con người và thương hiệu du lịch Ninh Thuận. Công ty TMDVDL Ánh Dương đã đồng hành cùng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong suốt thời gian qua, đã nhiều lần tổ chức khảo sát, bàn bạc với các cơ sở du lịch trong tỉnh, yêu cầu bổ sung một số điều kiện và từ đầu năm 2012 đã tiến hành ký kết được một số tour du lịch đến từ Nga. Với sự nhiệt tình và quyết tâm của Ninh Thuận, Công ty TMDVDL Ánh Dương và Công ty Pegar đã tiếp tục thương thảo và ký kết tăng số lượng và thời gian khách du lịch Nga đến Ninh Thuận. Theo báo cáo của Công ty TMDVDL Ánh Dương, số khách du lịch Nga đến Ninh Thuận mới chỉ chiếm 15% trong tổng số khách Nga mà Công ty đưa đến Việt Nam. Chỉ tiếc là số lượng phòng đạt chuẩn ở tỉnh ta theo yêu cầu của phía đối tác là quá ít nên không thể tăng thêm số lượng. Một số dự án khu du lịch đã được cấp phép đầu tư, khách sạn đạt chuẩn xếp hạng sao trên địa bàn tỉnh ta triển khai xây dựng quá chậm, một số khu du lịch cũ không chịu đầu tư nâng cấp để đạt chuẩn xếp hạng sao nên phía đối tác không chấp nhận đủ điều kiện đón khách quốc tế, bỏ lỡ cơ hội đón khách trong giai đoạn hiện nay.

 
Lướt sóng trên biển Bình Sơn - Ninh Chử. Ảnh: Văn Miên

Trong tháng 11, Ninh Thuận đã đón 550 khách du lịch Nga, tháng 12 là 650 và tháng 1-2013 sẽ tăng lên 800. Thời gian lưu trú của khách là 12 đến 14 ngày. Đây là số lượng khách và thời gian lưu trú rất đáng phấn khởi đối với Ninh Thuận, thời gian này hàng năm đều rất vắng khách. Theo thông báo của đối tác, khách du lịch Nga không chỉ sang Việt Nam “trốn” đông mà đã ký kết với các khách sạn cả mùa hè năm sau.

Gần 3 tháng qua, hoạt động du lịch Ninh Thuận đã trở nên sôi động. Khách quốc tế đã dạo bước trên đường phố, len lỏi đến các chợ, có mặt tại điểm đến du lịch theo tour của tỉnh. Đây là tín hiệu vui. Tuy nhiên, liệu Ninh Thuận có duy trì và phát triển được lượng khách quốc tế mãi không? Du lịch Ninh Thuận đã sang trang chưa hay là chỉ mới khởi sắc? Đây là nỗi trăn trở của chúng ta, của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp hoạt động du lịch.

Chúng ta đã mất nhiều công để đưa được khách đến với Ninh Thuận. Nhưng các điều kiện dịch vụ phục vụ du lịch trong và ngoài khách sạn của chúng ta còn thua kém xa các trung tâm du lịch xung quanh ta như Mũi Né, Hòn Rơm (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa) hay Đà Lạt (Lâm Đồng). Chúng ta cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác là các công ty lữ hành để nghiên cứu nhu cầu của khách. Tổ chức các chuyến đi học hỏi các tỉnh bạn. Sau một thời gian theo các đoàn khách và thăm dò ý kiến của khách, có rất nhiều vấn đề chúng ta cần đáp ứng. Chúng tôi chỉ xin nêu lên mấy vấn đề cần và có thể làm ngay:

Thứ nhất: Cái khó nhất hiện nay không chỉ ở Ninh Thuận mà cả các địa phương có khách Nga là vấn đề bất đồng ngôn ngữ. Số lượng phiên dịch của đối tác chỉ có một đến hai người, trong khi hàng trăm khách Nga đang ở nhiều khách sạn khác nhau. Vì vậy, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang xin chủ trương phối hợp mở các lớp đào tạo tiếng Nga về giao tiếp du lịch cấp tốc cho các nhân viên khách sạn, các nhà hàng. Ngoài ra, các bảng hiệu hướng dẫn, thực đơn đều phải có tiếng Nga.

 
Đội Mã La huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên

Thứ hai: Khách Nga đa phần là khách đi nghỉ dưỡng, rất cần các dịch vụ Spa lành mạnh, cần các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ thể thao và các trò chơi trên biển. Nhu cầu khách Nga rất thích tắm nước khoáng và tắm bùn. Rất tiếc khu suối nước nóng Mỹ Á – Ninh Sơn chưa hoàn thiện và Quốc lộ 27 chưa sửa chữa xong nên khách Nga vẫn phải tìm về Nha Trang. Trong vấn đề dịch vụ, cần tuyển và đào tạo những nhân viên lễ tân, buồng phòng và dịch vụ bàn có nghiệp vụ và có thái độ thân thiện với khách.

Thứ ba: Cần phát triển dịch vụ mua sắm ở các khu du lịch, nhất là dọc đường Yên Ninh, đường 16 Tháng 4 và khu vực Khánh Hải. Có thể nói, xưa nay chúng ta chưa phát triển loại hình dịch vụ phục vụ du lịch mua sắm. Rất nhiều khách Nga đề nghị đưa đi mua đồ lưu niệm có in chữ “Phan Rang” hay “Ninh Thuận” nhưng không có. Các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch rất cần có nhãn mác, cần có chữ “Bàu Trúc– Ninh Thuận” trên các sản phẩm gốm Chăm, chữ “Thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp”, thậm chí in chữ Ninh Thuận lên mũ, nón, áo phông v.v… để du khách mua về làm quà cho người thân, kể với người thân rằng tôi đã đến Ninh Thuận. Theo quy định, tất cả các hàng hoá đều phải niêm yết giá, kể các các thực đơn ở các nhà hàng. Đối với du khách nước ngoài, việc này là rất cần thiết vì đó là niềm tin về giá cả của người mua hàng, để họ biết chắc chắn rằng họ mua món hàng đó là đúng giá.

Thứ tư: Cần tăng cường các dịch vụ vui chơi giải trí. Khuyến khích mở các quán bar karaoke những bài hát tiếng Nga, hội quán bia Sài Gòn, hội quán rượu nho (khách du lịch Nga rất thích rượu nho Ninh Thuận và bia Sài Gòn), các đêm ca múa nhạc dân tộc Chăm và các dịch vụ vui chơi giải trí lành mạnh khác.

Thứ năm: Vấn đề vệ sinh môi trường là vấn đề cấp bách trong phát triển du lịch. Cần khẩn trương thực hiện đề án xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp. Trước mắt, cần triển khai kế hoạch dọn vệ sinh môi trường thật sạch sẽ ở các khu du lịch, bãi biển, đường phố, các điểm đến của tour, lắp đặt hệ thống thùng rác công cộng khắp các địa bàn v.v…

Hiện tượng khách du lịch Nga đến Ninh Thuận là cả một quá trình dài chuẩn bị. Nhưng đây mới chỉ là bắt đầu. Còn rất nhiều việc phải làm để giữ chân du khách. Vì vậy, có thể nói du lịch Ninh Thuận mới chỉ là bước đầu khởi sắc.