>> Tận tâm một đời thầy
>> Nhớ về cô
Được cô “đãi” món bánh tráng mắm ruốt, cái món mà tôi ăn đến phát ngán nhưng lúc ấy sao nó ngon đến vậy! Có lẽ mệt nhừ, đói vì đạp xe nên ai cũng ăn ngấu nghiến như chưa bao giờ được ăn. Giữa những nốt nhạc sinh động của cuộc sống, tôi không bao giờ quên về “nốt trầm” ngày hôm ấy.
“Chào các bạn, chúng ta sẽ gắn bó với nhau hết năm học này. Các em hãy giúp cô hoàn thành nhiệm vụ của mình, chúng ta cùng nhau cố gắng nhé, Phan Thị Kim Huệ là tên cô, giáo viên chủ nhiệm lớp 8.6 của tôi ngày ấy”. Những lời chào đầu tiên của cô khi nhận lớp vừa e dè của một giáo viên trẻ mới ra trường, vừa chân thành dành cho các bạn trong lớp.
Kim Huệ, cái tên nghe “quê” làm sao, tôi vốn không thích những cái tên của các loài hoa kiểu như Lan, Huệ, Hồng...nên với cô, cũng không ngoại lệ. Là sinh viên mới ra trường, cô trẻ, năng động và nhiệt tình với công việc, vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc quản lý 42 đứa học trò đối với cô thật khó khăn. Là lớp phó học tập của lớp nên tôi có thời gian tiếp xúc với cô nhiều hơn những bạn khác. Những khoảnh khắc ấy cho tôi cảm nhận khác về cô: nhiệt tình và tình thương dành cho học sinh lớp tôi là như nhau, đặc biệt là cô đã cố gắng rất nhiều để hiểu và bắt nhịp được với đám học trò trong lớp. Từ đó, không cảm thấy khó chịu vì cái tên của cô, tôi lạ lẫm khám phá về cô như những điều xa lạ khiến mình luôn tò mò.
Lần ấy, khi cô trả bài kiểm tra 1 tiết đầu tiên của môn kỹ thuật do cô dạy, sau khi phát bài xong, gần một nửa các bạn trong lớp tôi đã đưa bài kiểm tra của mình lên ý kiến. Vì sao bài em giống bài bạn mà điểm thấp hơn? Tại sao em làm đúng với đáp án mà chỉ có 8 điểm? …Tôi đứng thẩn thờ nhìn các bạn "phản ứng" với kết quả bài kiểm tra. Cô giáo làm việc hết “công suất” để giải thích cho từng đứa. Có lẽ vì mệt, thất vọng cô đã ôm mặt, tiếng nức, nước mắt rưng rưng, cô khóc như một đứa trẻ. Tất cả học sinh lớp tôi đều im lặng, không khí căng thẳng, không một ai lên tiếng. Sau khi bình tĩnh trở lại, năm phút sau, cô nghẹn ngào nói: “ Mọi thứ cô làm đều công bằng, các em làm gì thì các em tự hiểu, sẽ không có kết quả tốt nếu các em không cố gắng hết sức”. Nói xong, cô xách cặp và lặng lẽ đi ra khỏi lớp. Chúng tôi, những đứa bé vẫn không hiểu đã xảy ra chuyện gì, ngơ ngác nhìn nhau. Ai nấy trong lớp đều lặng thinh không nói câu nào, có lẽ các bạn đang “ sám hối” với những giây phút “tội lỗi” mới gây ra.
Sau “sóng gió” ấy, tụi bạn lớp tôi, ai cũng tự rút ra bài học cho riêng mình. Đứa thì bảo đáng lẽ mình đừng làm thế, đã chép bài nhau rồii còn kêu to; đứa thì ý kiến theo kiểu “phong trào”. Không hiểu vì sao, từ buổi học ấy, bạn quậy nhất trở nên “dịu êm” hơn, không ồn ào, hấp tấp. Tiết dạy của cô sau một buổi “đình công” ấy, không khí yên lặng bao trùm. Ai cũng nghĩ, cô sẽ giận lắm, thế nhưng cô đã phá tan không khí ấy bằng cách kể một câu chuyện rất thú vị, lớp tôi ai nấy cười toe toét, không còn cảm giác "tội lỗi". Chúng tôi lại hào hứng, cuốn hút vào bài giảng của cô, cứ như chưa có chuyện gì xảy ra. Cuối tiết học, điều cô chia sẻ làm chúng tôi rất cảm động: “Cô biết mình còn nhiều thiếu sót, vì thế cô mong các em giúp đỡ, chúng ta hãy nỗ lực nhiều hơn các em nhé”. Không ai biểu ai, những tràn pháo tay giòn giã vang lên, có lẽ thay cho sự xin lỗi và cảm ơn của các bạn dành cho cô, niềm vui xé tan muộn phiền. Trước khi trả lại giờ cho thầy dạy toán, cô không quên dặn chúng tôi:" Nếu các em gặp bất cứ chuyện gì, học hành, về các bài toán khó giải, ngữ pháp trong tiếng Anh, hay môn văn, hãy gặp cô bất cư lúc nào, đừng ngại".
Từ dạo ấy đến hết lớp 8, với tôi cô không chỉ là cô giáo chủ nhiệm mà cô còn là người chị đáng kính, đã dạy lại cho tôi biết bao điều giúp đứa trẻ ngốc nghếch hiểu thêm về cuộc sống.
Giờ đây, cô đã chia tay chúng tôi, cũng không còn gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, cô bình yên với gia đình nhỏ, hạnh phúc của mình. Miền ký ức đẹp về cô chắc chắn sẽ đi cùng tôi mãi mãi. Cảm ơn cô đã đến với lớp chúng em, cảm ơn vì đã cho chúng em những điều mới mẻ, nhận thức nhiều thứ trong cuộc sống, Cô ơi, người chị thân yêu của tôi!
Minh Khai