Dinh dưỡng hợp lý phòng bệnh béo phì

(NTO) Ở nước ta, tình trạng thừa cân béo phì trẻ em có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi tuổi học sinh và khu vực đô thị. Giải quyết gánh nặng béo phì và hậu quả của nó đòi hỏi một sự quan tâm thỏa đáng của gia đình và toàn xã hội, vì béo phì ở trẻ em có liên quan tới các rối loạn về chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…. lúc còn nhỏ cũng như khi trưởng thành.

Để góp phần phòng ngừa tình trạng thừa cân béo phì, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.Có rất nhiều biện pháp để phòng, chống thừa cân béo phì, nhưng nguyên tắc chung vẫn là giảm bớt các bữa ăn và vận động nhiều hơn. Nhưng điều này rất khó được thực hiện, đặc biệt là về mặt ăn uống.

Trẻ em và cả chúng ta đều có quan điểm đơn giản rằng ăn càng nhiều thì càng có năng lượng cho hoạt động hằng ngày. Trẻ em thì lại càng cần dinh dưỡng đầy đủ để có được sự phát triển tối ưu. Nhưng chúng chỉ cần loại dinh dưỡng thích hợp, không phải tất cả. Tháp dinh dưỡng hướng dẫn rất cụ thể và chính xác cho chúng ta việc thực hiện các chế độ ăn uống với định lượng dinh dưỡng thích hợp. Đó không chỉ là những kiến thức trẻ học được ở lớp mà còn là cơ sở vững chắc cho các bậc cha mẹ. Nghiên cứu tháp dinh dưỡng thường xuyên sẽ giúp các bà nội trợ luôn giữ được sự cân bằng dinh dưỡng cho cả nhà, từ đó mọi người sẽ có sức khỏe thật tốt. Nên lưu ý tránh mua các loại thực phẩm có chứa thành phần dầu đậu nành và thành phần đường từ sirô bột ngô, hai loại hợp chất hữu cơ này sẽ kích thích mạnh sự thèm ăn nhưng lại hoàn toàn không có dinh dưỡng.

Đối với trẻ, nhu cầu về dưỡng chất mà trẻ ở lứa tuổi tiểu học cần được chú ý là đủ năng lượng, các vitamin A, D, E, B1, B6… và các khoáng chất như can-xi, i-ốt, sắt, kẽm… để giúp trẻ tăng trưởng và học tập tốt. Nhu cầu can-xi cho trẻ là 700mg/ngày, tương đương với lượng can-xi có trong 600ml sữa bò tươi. Nhiều trẻ không thích uống nhiều sữa, các bậc cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm dồi dào canxi để đảm bảo khẩu phần canxi cho trẻ như phô mai, cá nhỏ ăn cả xương, tôm, cua…

Việc thiếu các chất dinh dưỡng trong bữa ăn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tối ưu của trẻ. Sự thiếu hụt này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thành tích học tập của trẻ.

Hiện nay, do không nắm vững về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, nên cha mẹ thường mắc sai lầm trong việc xác định loại thực phẩm và số lượng từng loại thức ăn cho trẻ. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, yêu cầu về năng lượng do chất béo cung cấp trong khẩu phần vượt trội hơn so với trẻ ở độ tuổi lớn hơn. Nếu cha mẹ không nắm được, mà áp đặt trẻ ăn theo một tiêu chuẩn chung là nguyên nhân khiến trẻ bị thừa chất béo, gây tích mỡ và dễ bị thừa cân, béo phì.

Vì vậy để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý phòng bệnh béo phì là việc của cả gia đình. Là bậc cha mẹ, chúng ta phải nghiêm túc trong việc đặt ra chế độ ăn dinh dưỡng cho con em mình. Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng, chú ý đến các thành phần trong thực phẩm, khẩu phần ăn hợp lý từ các bữa ăn. Một chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý không những mang lại cho bản thân và gia đình sức khỏe tốt mà còn phòng, chống được nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh béo phì.