Nông dân Thôn Mỹ Phong: Hiến đất làm hệ thống thoát lũ

(NTO) Đưa chúng tôi đi thăm hệ thống kênh thoát lũ vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay cạnh nhà mình, chị Lê Thị Lâu, ở thôn Mỹ Phong, xã Thanh Hải (Ninh Hải) phấn khởi nói: “Nhà tôi hiến hơn 400 m2 đất và phải bỏ đi mấy gốc dừa, xoài bắt đầu cho thu hoạch nhưng không hề tiếc. Bởi đây là việc làm cần thiết, có lợi cho cả thôn, cả xã, trong đó có cả chính gia đình mình”.

Chị Lâu cho biết thêm, trước đây hễ mưa xuống là nước ngập vào tận nhà. Ruộng đất canh tác của hàng chục hộ 2 thôn Mỹ Phong, Mỹ Tường đều bị ngập úng. Nước lũ phá hư hại nhà cửa, đường làng ẩm thấp, đi lại khó khăn. Chính vì vậy nên khi UBND xã đề nghị bà con hiến đất để xây dựng hệ thống thoát lũ thì gia đình chị Lê Thị Lâu là một trong những hộ dân đầu tiên đồng tình.

Nhiều hộ dân hiến đất xây dựng hệ thống thoát lũ tại địa phương.

Đồng chí Lê Thành Nhựt, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: Để giải quyết tình trạng ngập lụt gây ảnh hưởng đến đời sống và thiệt hại về sản xuất của người dân, UBND huyện hỗ trợ cho xã 1,8 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát lũ. Nguồn hỗ trợ được trích từ kinh phí phòng, chống lụt bão của huyện và chỉ đủ để hỗ trợ xây dựng công trình, chứ không bao gồm tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Với những người nông dân thì đất đai lại càng thực sự quý giá. Tuy nhiên, cũng vì lợi ích chung của nhân dân, Đảng ủy xã tổ chức triển khai lấy ý kiến dân và thành lập Tổ vận động đến từng nhà dân để giải thích, làm công tác dân vận. “Ban đầu chỉ có khoảng 35% hộ dân đồng tình hiến đất. Hầu hết các hộ có đất trong vùng quy hoạch xây dựng hệ thống thoát lũ đều có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhưng chúng tôi không nản, bởi đây là việc làm thiết thực, mang lại lợi ích cho chính nhân dân” – đồng chí Chủ tịch UBND xã chia sẻ.

Công tác dân vận của chính quyền xã Thanh Hải đã tiến hành một cách kiên nhẫn, bởi không chỉ đến với từng hộ dân mà còn phải gặp gỡ, giải thích cho từng thành viên trong gia đình. Gia đình ông Võ Xuân Hương là người hiến đất với diện tích lớn nhất 1.122 m2. Tuy bản thân ông hoàn toàn ủng hộ nhưng ban đầu cũng gặp không ít khó khăn do sự phản đối của vợ và các con. Gia đình có tới 9 người con, tất cả đều đã đến tuổi lập gia đình và sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hiến đất rồi, vợ con ông lo lắng không biết lấy gì lập nghiệp, làm ăn sản xuất. Được sự hỗ trợ của cán bộ xã, ông Hương không ngừng thuyết phục “to nhỏ” với vợ con từ chuyện lợi ích của hệ thống thoát lũ, rồi thực tế đời sống sản xuất khó khăn, đặc biệt là nhiều gia đình bà con, họ hàng ở thôn Mỹ Tường thường xuyên bị thiệt hại nhà cửa do ngập lụt… Cuối cùng cả nhà ông đã đồng lòng, nhất trí hiến đất mà không một đòi hỏi, yêu cầu nào.

Còn với ông Lê Cải, 81 tuổi, người đã hiến 523 m2 đất cho hệ thống thoát lũ thì lý do lớn nhất khiến ông không những đồng tình mà còn đứng ra vận động các hộ dân khác làm theo là bởi vì “thương cán bộ xã”. Đưa chúng tôi đi tham quan hệ thống thoát lũ, ông Cải kể: “Vì lợi ích chung là một phần, nhưng quan trọng là cách làm, cách nói của cán bộ xã. Đích thân Chủ tịch xã đến từng nhà, gặp gỡ từng người, giải thích cặn kẽ không chỉ một mà rất nhiều lần. Lại biết lắng nghe tâm tư, nỗi khổ của dân, tháo gỡ khúc mắc trong lòng dân… Thật sự, những người già như tôi không thể không đi đầu để làm gương cho con, cho cháu”.

Hệ thống thoát lũ ở thôn Mỹ Phong dự kiến chiếm tổng diện tích 7.909 m2, đi qua đất của 26 hộ dân. Đến nay, giai đoạn 1 của hệ thống có chiều dài 287m, diện tích 2.400 m2 do 5 hộ dân hiến đất đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Những cơn mưa đầu tháng 10 vừa qua tuy chưa đủ lớn nhưng cũng chính là bằng chứng rõ ràng, cụ thể nhất về lợi ích mà hệ thống thoát lũ đem lại. Tất cả các hộ dân đều vui mừng, phấn khởi vì không còn cảnh ngập lụt; ruộng vườn, nhà cửa khô ráo, môi trường sạch sẽ, thoáng mát hơn. Ai ai cũng tự hào và càng khẳng định việc làm của mình là đúng đắn. Đây cũng là động lực để cán bộ xã Thanh Hải tiếp tục làm tốt hơn công tác dân vận, vận động thành công các hộ dân còn lại hiến đất, hoàn thành công trình hệ thống thoát lũ trong thời gian sớm nhất.