Nhiều khó khăn trong công tác thanh tra ở phòng GD&ĐT

Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra giáo dục ở các địa phương, cơ sở giáo dục, đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Theo đó, số cán bộ Thanh tra các Sở GD&ĐT có 317 người; cộng tác viên thanh tra khối Sở là 7.239 người; cộng tác viên thanh tra khối Phòng GD&ĐT là 30.484 người.

Tuy nhiên, hoạt động thanh tra giáo dục ở các Phòng GD&ĐT và hoạt động thanh tra trong các cơ sở giáo dục đại học và trường trung cấp chuyên nghiệp hiện chưa được quy định rõ.

Hiện nay, trên cả nước có 452 cơ sở giáo dục đại học; có 287 cơ sở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp; có 63 sở GD&ĐT có 696 phòng GD&ĐT.

Số đơn vị, trường học và cán bộ, giáo viên, nhân viên do phòng GD&ĐT quản lý rất đông; có phòng GD&ĐT quản lý hàng trăm đơn vị, trường học và hàng nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên; phòng quản lý ít thì cũng hàng chục đơn vị, trường học và hàng trăm cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vì vậy, hoạt động thanh tra ở Phòng GD&ĐT là không thể thiếu.

Thanh tra giáo dục hoạt động rộng về địa bàn, đông về đối tượng nhưng một số Sở GD&ĐT, số lượng cán bộ chuyên trách tại Thanh tra Sở không đủ, còn có cán bộ Thanh tra Sở chưa được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên; chưa đảm bảo về cơ cấu (thiếu Thanh tra viên có nghiệp vụ tổ chức). Đội ngũ cộng tác viên thanh tra trực thuộc Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT hầu hết là những cán bộ quản lý, các nhà giáo cốt cán của các cơ sở giáo dục phải kiêm nhiệm nhiều công việc, kinh phí dành cho hoạt động thanh tra hạn hẹp.

Các phòng GD&ĐT quản lý đến tận các đơn vị, trường học ở xã, phường, thôn, bản; ở mỗi xã, phường đều có các trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mầm non. Tại các phòng GD&ĐT, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm công tác thanh tra. Mặc dù, các đơn vị và cán bộ, giáo viên trực thuộc phòng GD&ĐT rất đông, trong khi đó không có cán bộ chuyên trách về công tác thanh tra nên công tác thanh tra ở phòng giáo dục gặp rất nhiều khó khăn.

Theo khảo sát của Thanh tra Bộ GD&ĐT về thực trạng, nhu cầu đổi mới về tổ chức, hoạt động của thanh tra giáo dục tại các tỉnh, thành phố, những ý kiến tập trung nhất là cần có cán bộ chuyên trách ở Phòng GD&ĐT phụ trách công tác thanh tra giáo dục. Bộ GD&ĐT cần quy định chế độ của cán bộ chuyên trách ở Phòng GD&ĐT phụ trách hoạt động thanh tra giáo dục cũng như quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chế độ, chức năng, nhiệm vụ của CTVTT giáo dục. Thanh tra Bộ GD&ĐT cần thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thanh tra viên, CTVTT giáo dục, chú trọng công tác thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại