Trao đổi:

Phát huy vai trò của học sinh trong phát biểu xây dựng bài

(NTO) Để một tiết học đạt hiệu quả và thu hút được sự chú ý của học sinh, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ về giáo án, phương pháp lên lớp,… vai trò của học sinh trong phát biểu xây dựng bài là một trong những yếu tố hết sức quan trọng.

Trên tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay, bên cạnh vai trò của người thầy - với tư cách là định hướng, đánh giá cho các em tìm hiểu nguồn kiến thức bài học thì vai trò của học sinh được coi là chủ thể trung tâm của bài học trong việc khám phá, tìm hiểu nội dung kiến thức bài học. Vì vậy, nếu như trong tiết học chỉ có sự hoạt động của giáo viên (tác động một phía theo kiểu “độc thoại”) thì tiết học đó sẽ trở nên nhàm chán, thiếu hấp dẫn và kém hiệu quả.

Học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh phát biểu tham gia xây dựng bài học môn Địa Lý
Ảnh: Sơn Ngọc

Về phía người dạy, giáo viên trong tiết học chưa thực sự chủ động cho học sinh tham gia vào quá trình lên lớp của mình mà chỉ tập trung việc giảng bài theo ý đồ có sẵn của mình. Vô tình, người dạy đã bỏ quên những “trăn trở” của học sinh đối với bài học đó. Điều này cũng phản ánh thực trạng, nhiều giáo viên dạy nhiều nhưng học sinh hiểu bài ít. Muốn học sinh tham gia vào bài học, người dạy phải tạo ra những tình huống có vấn đề, những hệ thống câu hỏi phù hợp với bài học và học sinh. Tuy nhiên, một số giáo viên mang tâm lý sợ “cháy” giáo án nên không đưa ra câu hỏi cho học sinh… Bên cạnh đó, nhiều giáo viên chưa thực sự có kỹ năng và phương pháp đặt câu hỏi cho bài học vì thế mới có hiện tượng nhiều giáo viên đặt câu hỏi quá khó khiến cho các em không thể trả lời hoặc đặt câu hỏi quá dễ khiến cho các em mang tâm lý không muốn trả lời…, từ những yếu tố trên đã tạo thói quen ỷ lại, thiếu chủ động, thiếu tư duy, động não trong giờ học của học sinh trước mắt cũng như lâu dài.

Về phía học sinh, trong mỗi lớp học hiện nay bên cạnh những học sinh có ý thức phát biểu xây dựng bài thì luôn tồn tại một bộ phận học sinh lười hoặc ngại giơ tay phát biểu, một số khác có suy nghĩ khi phát biểu bài nếu không đúng thì sẽ bị giáo viên phê bình, còn các bạn trong lớp thì chê cười... Đây là những biểu hiện không tốt, khiến cho nhiều giáo viên bị ức chế trong giờ dạy và đó cũng chính là thử thách trong phương pháp giảng dạy, lên lớp đối với từng giáo viên. Hiện nay, khối lượng kiến thức từ các môn học trên trường mà các em học quá nhiều dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Nhiều em dễ tìm đến những tài liệu, bài giảng có sẵn để đối phó với giáo viên khi được hỏi hoặc kiểm tra.

Thấy được những bất cập trên, để phát huy vai trò và hiệu quả của việc phát biểu xây dựng bài của học sinh, thiết nghĩ vai trò của người thầy luôn hết sức quan trọng trong mỗi tiết dạy: Giáo viên, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ… thì cũng cần chú trọng đến việc đầu tư cho chất lượng của bài giảng trước khi lên lớp. Trong đó, cần phải xây dựng hệ thống câu hỏi và phương pháp vấn đáp sao cho phù hợp với trình độ, tâm lý của học sinh; cần đặt câu hỏi theo hướng gợi mở, tạo ra những tình huống có vấn đề để thu hút các em tham gia, thay vì đặt ra các câu hỏi thường chỉ có một đáp án đúng và gọi một em nào đó trả lời. Trong mỗi tiết học, để học sinh có thể phát huy vai trò của mình, giáo viên cần phải kết hợp nội dung bài giảng với các trò chơi, đố vui; xây dựng các câu hỏi mang tính tư duy cho học sinh, xây dựng các buổi thảo luận nhóm hay chia đội trong lớp học nhằm kích thích khả năng tư duy và sáng tạo của các em.

Nhà trường cũng cần tổ chức cho các em tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, nói chuyện chủ đề, vận động học sinh tham gia vào các phong trào của Đội - Đoàn - Hội để các em hình thành các kỹ năng giao tiếp ban đầu. Từ đó sẽ giúp các em mạnh dạn trước đám đông, chủ động bày tỏ ý kiến cũng như những suy nghĩ của mình.