Ấn tượng từ Hội thi tuyên truyền viên Dân số

(NTO) “Sôi nổi, hào hứng, ý nghĩa”, đó là những ấn tượng sâu sắc mà Hội thi Tuyên truyền viên dân số năm 2012 đã để lại trong lòng khán giả. Không chỉ mang lại cho khán giả những giây phút thư giãn thoải mái, Hội thi còn là sân chơi bổ ích, thiết thực, góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong cộng đồng.

Tham gia hội thi lần này có 35 thí sinh đến từ Trung tâm DS-KHHGĐ của 7 huyện, thành phố. Các thí sinh trải qua 3 phần thi: Chào hỏi, bốc thăm trả lời câu hỏi và tiểu phẩm tuyên truyền DS. Ngay từ phần thi chào hỏi, các đội đã làm không khí cả hội trường sôi động hẳn lên bằng những làn điệu dân ca mượt mà, câu vè dí dỏm. Chỉ trong vòng 5 phút, các đội không chỉ tự giới thiệu về mình, mà còn giới thiệu cho khán giả về nét văn hóa, đời sống, tình hình phát triển DS, thực hiện KHHGĐ của người dân ở địa phương.

Tiểu phẩm Chuyện nhà Ama Chiến của đội TT DS-KHHGĐ huyện Bác Ái.Ảnh:Uyên Thu

Ấn tượng nhất phải kể đến đội Trung tâm DS- KHHGĐ huyện Ninh Phước, mỗi thí sinh trong các trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, giới thiệu về những đặc sản, nghề truyền thống và đặc biệt công việc, sự khó khăn, vất vả của những cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS, tầm quan trọng của việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ đối với sự phát triển của địa phương. Sang phần thi bốc thăm trả lời câu hỏi, mặc dù nội dung các câu hỏi xoay quanh nhiều lĩnh vực như: chính sách, pháp luật về DS-KHHGĐ, kiến thức CSSKSS, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân- Gia đình… nhưng các thí sinh đã trả lời một cách trôi chảy, rành mạch, chính xác, thuyết phục được ban giám khảo và khán giả. Và sôi động, hấp dẫn nhất có lẽ thuộc về phần thi tiểu phẩm. Ở phần thi này, hơn nửa số tiết mục của các đội đều cùng có nội dung chính là phê phán tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, tình trạng trọng nam khinh nữ, mong muốn sinh con trai để nối dõi tông đường của các ông chồng… Tuy nhiên, do mỗi tiểu phẩm có mỗi tình tiết, cách thể hiện khác nhau nên không tạo sự nhàm chán, trái lại, một số tiểu phẩm còn có sức hấp dẫn qua những tình tiết hài hước, đem lại cho khán giả những tiếng cười sảng khoái, thuyết phục. Điển hình như tiểu phẩm “Trai một” của đội Trung tâm DS-KHHGĐ Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, “Quyết sinh con trai” của đội Thuận Nam… Các tiểu phẩm đều mang một thông điệp, ý nghĩa quan trọng của công tác DS-KHHGĐ, CSSKSS và công việc thầm lặng của người làm công tác DS… tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả là tiểu phẩm “Tởn tới già” của đội Ninh Hải, phản ánh tình trạng thiếu hiểu biết về CSSKSS, đẻ nhiều, đẻ dày ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ, thai nhi của nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với tác phẩm này, đội Ninh Hải được Ban Giám khảo trao giải phụ đội có nội dung tiểu phẩm hay nhất. Trong khi đó, các cô gái trẻ của đội Trung tâm DS- KHHGĐ huyện Bác Ái với khả năng “nhập vai” xuất sắc, dàn dựng công phu với tiểu phẩm “Chuyện nhà Ama Chiến” được Ban Giám khảo trao giải đội có khả năng diễn xuất hay nhất.

Hội thi khép lại với kết quả cao nhất được Ban Giám khảo trao cho đội Trung tâm DS-KHHGĐ Ninh Hải; giải nhì thuộc về đội Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Phan Rang- Tháp Chàm; giải ba thuộc về đội Trung tâm DS-KHHGĐ Bác Ái. Ông Trương Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế- Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ, Trưởng ban Tổ chức Hội thi cho biết: “Mặc dù lần đầu tiên tổ chức, nhưng Hội thi diễn ra thành công tốt đẹp. Có được kết quả này phải nói đến sự tham gia nhiệt tình của các thí sinh thể hiện tâm huyết của những người làm công tác DS, từ đó góp phần nâng cao ý thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện công tác DS-KHHGĐ, CSSKSS tại cộng đồng. Qua hội thi lần này, Ban Tổ chức cũng đã rút ra được một số kinh nghiệm để tổ chức hội thi của những năm sau thành công tốt đẹp hơn, góp phần tích cực thực hiện tốt công tác truyền thông chuyển đổi hành vi và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh”.