Việt Nam tiếp tục giữ vị trí xuất khẩu cà phê số 1 thế giới

Sáng 1-9, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giao dịch tại 42,1- 42,3 triệu đồng/tấn, tăng 300.000 đồng/tấn so với phiên hôm qua.

So với cuối tuần trước, giá cà phê trong nước tăng 500.000 đồng/tấn.

Giá cà phê thế giới đồng loạt tăng làm giá cà phê robusta giao tại cảng FOB (HCM) cũng được điều chỉnh tăng 10 USD lên 2.055 USD/tấn.

Hợp đồng cà phê robusta giao tháng 11 trên sàn Liffe (London) tăng 13 USD lên 2.077 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 1 tăng 15 USD lên 2.092 USD/tấn.

Trên sàn ICE (New York), giá cà phê arabica các kỳ hạn cũng đồng loạt tăng. Hợp đồng giao tháng 12 tăng 0,95 cent lên 164,35 cent/pound. Hợp đồng giao tháng 3 tăng 1,3 cent, lên 168,3 cent/pound.

Tại London, các yếu tố cho thấy giá cà phê robusta có thể tiếp tục tăng mạnh. Nhu cầu về cà phê robusta tăng mạnh do các nhà rang xay chuyển từ cà phê arabica sang robusta để duy trì chi phí thấp. Tính từ mức tồn kho kỷ lục hồi tháng 7/2011, lượng cà phê trên sàn Liffe giảm 66%.

Trong nước, giá cà phê được điều chỉnh tăng theo giá tại sàn London, giao dịch mua bán tiếp tục diễn ra rất trầm lắng trong những ngày gần đây.

Theo ban Khí tượng thủy văn tại Đắk Lắk, lượng mưa tại Buôn Ma Thuột từ đầu năm nay tính đến ngày 20/8 giảm 28% so với năm ngoái. Do đó, sản lượng cà phê thu hoạch có thể giảm 9,7% xuống còn 1,4 triệu tấn trong niên vụ 2012-2013 (bắt đầu vào tháng 10) từ mức sản lượng ước tính cao kỷ lục niên vụ trước ở 1,55 triệu tấn.

Tại sàn New York, giá cà phê arabica vẫn chịu áp lực giảm. Tính trong tháng 8, giá cà phê arabica trên sàn ICE giảm 7%.

Theo báo cáo thống kê tháng 7 năm 2012 của Tổ chức Cà phê Quốc Tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7 lên tới 9.110.000 bao, tăng 17,85% so với 7.730.000 bao xuất khẩu trong tháng 7/2011 (bao = 60kg).

Tính trong vòng 12 tháng, kết thúc vào ngày 31/ 7/2012, xuất khẩu cà phê Arabica chỉ đạt 65.180.000 bao, giảm 4,32% so với 68.120.000 bao cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu cà phê Robusta lên tới 40.720.000 bao, tăng 9,70% so với 37.120.000 bao cùng kỳ năm trước.

Riêng khối lượng xuất khẩu toàn cầu trong 10 tháng đầu của niên vụ cà phê 2011/12 (từ tháng 10/11 đến tháng 7/12) đạt 90,36 triệu bao, tăng gần 1,5% so với 89,05 triệu bao xuất khẩu trong cùng thời kỳ của niên vụ cà phê 2010/2011.

Thống kê của ICO còn cho thấy, xuất khẩu trong tháng 7/2012 của Việt Nam đạt 1.850.000, giảm 225.000 bao, tương đương giảm 10,84% so với tháng trước, xếp vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê sau cường quốc Brazil. Được biết, trong tháng 7 vừa qua quốc gia này đã xuất khẩu 2.076.000 bao cà phê, tăng 9,07% so với tháng trước đó.

Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 16.175.000 bao, tiếp tục chiếm vị trí dẫn đầu thế giới trong xuất khẩu cà phê của các nước sản xuất, nhiều hơn 9,99% so với quốc gia xuất khẩu chiếm vị trí thứ hai là Brazil đạt 14.706.000 bao.

Indonesia vươn lên giữ vị trí thứ 3 với 4.487.000 bao, Honduras xếp thứ 4 với 4.422.000 bao, trong khi Colombia vượt qua Ấn Độ với 3.956.000 bao xếp thứ 5 đưa Ấn Độ lui về vị trí thứ 6 với 3.889.000 bao.

Một báo cáo khác của ICO cho biết, trong năm 2011 Hoa Kỳ là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới với 22 triệu bao và Brazil xếp thứ nhì đã tiêu thụ 19, 6 triệu bao. Brazil có thể trở thành nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới trong 2-3 năm tới, theo Marcos Pinta Gama, đại diện thường trực của quốc gia này tại các tổ chức quốc tế ở London.

Theo báo cáo thống kê của ngành Hải Quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 7 đạt 114.365 tấn với giá trị kim ngạch 251,65 triệu USD, nâng số lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm lên 1.162.985 tấn với giá trị kim ngạch 2,45 tỷ USD. Giá bình quân xuất khẩu trong tháng đạt 2.000 USD/tấn, tăng 2,14 % so với giá bình quân tháng trước.

Ngành Nông nghiệp dự kiến xuất khẩu tháng 8 ước đạt 96 ngàn tấn, với giá trị kim ngạch đạt 206 triệu USD. Ước lượng cà phê xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 1,26 triệu tấn, kim ngạch 2,66 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 31,9% về lượng và tăng 26,3% về giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Indonesia và Mehico có sự tăng trưởng đột biến.

Nguồn VOV.VN