Đột phá xóa đói giảm nghèo bằng nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba lĩnh vực mang tính đột phá để xóa đói giảm nghèo cho vùng dân tộc, miền núi.

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Ngày 14/8, Ủy ban Dân tộc tổ chức diễn đàn về thực trạng, giải pháp triển khai thực hiện các chính sách phát triển nhân lực vùng dân tộc miền núi đến năm 2020.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, phát triển nguồn nhân lực được coi là khâu then chốt, mang tính đột phá để xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, thực trạng nhân lực vùng dân tộc miền núi vẫn còn nhiều hạn chế.

Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trung bình rất thấp, 87,21% chưa qua đào tạo. Đội ngũ cán bộ thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Tỷ lệ người không biết đọc, biết viết, học sinh trong độ tuổi đi học không đến trường còn cao.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên cũng không đồng đều, việc dạy và học tiếng dân tộc còn hạn chế, mới chỉ có 7 ngôn ngữ được dạy chính thức. Đặc biệt, giáo dục hướng nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc đã có phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, các trường dạy nghề phân bố chưa hợp lý.

Mặt khác, thể trạng, tầm vóc của người dân tộc còn nhỏ bé, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao, tuổi thọ trung bình thấp, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra ở một số nơi, một số dân tộc.

Để phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, thiểu số miền núi đáp ứng được nhu cầu đặt ra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước cho rằng, quan trọng nhất là cần có định hướng, lộ trình quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Chất lượng nguồn nhân lực sẽ được ổn định và nâng cao nếu xây dựng được các vùng dân cư tập trung, khắc phục tình trạng di dân tự do và dân cư phân tán. Quy hoạch xây dựng trường lớp từ mẫu giáo cho đến các cấp học phổ thông, mở rộng phạm vi và quy mô để đáp ứng nhu cầu giáo dục, tạo nền tảng để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Đặc biệt, cần xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ trí thức là người dân tộc, chú trọng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng cơ cấu theo nghề nghiệp, lĩnh vực đào tạo, áp dụng các chính sách ưu tiên đào tạo nhân tài cho các dân tộc thiểu số.

Về vấn đề dạy nghề, theo PGS.TS Mạc Văn Tiến – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, người dân tộc thiểu số được xếp vào nhóm đối tượng yếu thế trên thị trường lao động. Vì vậy, nên tập trung vào vấn đề phổ cập nghề, thông qua các khóa dạy nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

Mạng lưới dạy nghề cũng cần được quy hoạch theo vùng, địa phương, dạy nghề ngắn hạn linh hoạt, gắn với từng cây, từng con, từng nghề của người dân tộc và vùng, chú trọng đến đặc tính canh tác và sinh hoạt của từng nhóm dân tộc.

Nguồn www.chinhphu.vn