Chuyển biến trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở Lương Sơn

(NTO) Xã Lương Sơn (huyện Ninh Sơn) có 6 thôn, với 1.750 hộ, trên 6.560 nhân khẩu, trong đó đồng bào Raglai chiếm khoảng 20%. Là xã thuần nông, cư dân sinh sống phân tán đã cản trở không ít việc người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc SKSS/KHHGĐ nói riêng.

Để chính sách dân số đến được với người dân, xã Lương Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị trong việc triển khai các chương trình mục tiêu dân số. Chị Huỳnh Thị Kim Dung, chuyên trách Dân số xã cho biết: “Lực lượng “làm” dân số ở đây không chỉ có cán bộ ở Trạm Y tế xã, đội ngũ 14 cộng tác viên, mà bản thân các cán bộ hội, đoàn thể, nhất là Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ để có điều kiện phát triển kinh tế, chăm sóc, nuôi dạy con cái”.

Cộng tác viên dân số xã Lương Sơn đẩy mạnh truyền thông SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ địa phương.

Thời gian qua, trên địa bàn xã đã triển khai có hiệu quả các đề án, mô hình chăm sóc SKSS/KHHGĐ như: Câu lạc bộ tiền hôn nhân, SKSS vị thành niên-thanh niên; câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3; đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; đề án sàng lọc trước khi sinh; vận động truyền thông thay đổi hành vi chăm sóc SKSS/KHHGĐ; chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở các vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn”… Đội ngũ cộng tác viên dân số cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông tại địa bàn dân cư như: vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, gia đình sinh con thứ 3 trở lên hoặc sinh con một bề thực hiện KHHGĐ; tư vấn trực tiếp, tư vấn nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, thống kê từng nhóm đối tượng có nhu cầu KHHGĐ, phụ nữ mang thai để tổ chức vận động đi khám tại Trạm Y tế xã; cấp phát các sản phẩm truyền thông và một số phương tiện tránh thai thông thường.

Nhờ có sự phối hợp của các đoàn thể, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư và sự nỗ lực của đội ngũ cộng tác viên, từ đầu năm đến nay, xã đã vận động các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ đạt và vượt chỉ tiêu giao; có 6 ca đình sản và trên 850 cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai khác. Riêng trong chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” đợt I-năm 2012, xã đã vận động được 359 phụ nữ đi khám phụ khoa (trong đó 295 chị được điều trị), khám thai cho 182 lượt, thực hiện 26 ca đặt vòng và hơn 590 lượt người sử dụng các biện pháp tránh thai.