Olympic 2012: Internet "chiến thắng" màn ảnh nhỏ tại Thế vận hội Luân Đôn

Nhật báo "Le Monde" ra ngày 6-8 đăng bài "Thế vận hội của ngành kỹ thuật số", trong đó đi sâu phản ánh chủ đề Internet "chiến thắng" màn ảnh nhỏ tại Đại hội Thể thao Thế giới (Olympic) 2012.

Năm 2008, khi diễn ra Olympic Bắc Kinh, chiếc điện thoại thông minh iPhone chỉ mới được tung ra thị trường, trong khi còn chưa có iPad.. Chỉ sau đó bốn năm, tại Olympic Luân Đôn 2012, iPhone, iPad đã trở nên đắc dụng đến mức rất nhiều người đã "bỏ rơi" truyền hình để sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại này theo dõi trực tiếp hay tường thuật các trận đấu trong khuôn khổ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này mà không hoàn toàn bị lệ thuộc vào truyền hình nữa. Nhờ những phương tiện này, người dân ở nhiều nước, nhất là ở các nước phát triển, đã hoàn toàn "di động" trong việc theo dõi Olympic Luân Đôn.

Tại Anh, hãng BBC cũng đã chi mạnh tay cho việc xem trực tuyến trên mạng. Người Anh có thể xem đến 24 kênh trực tiếp mỗi ngày bằng máy vi tính. BBC đã phát trên 2.500 giờ về Olympic Luân Đôn. Người dân khu vực Mỹ Latinh cũng không chịu thua kém, nhà cung cấp dịch vụ mạng Terra của Tây Ban Nha đã mua quyền trực tiếp các cuộc thi đấu Olympic Luân Đôn trên mạng ở 10 nước. Người hâm mộ thể thao tại 10 nước này có thể xem các trận đấu tùy thích thông qua mạng Internet.

Còn ở Mỹ, ngày 2-8 vừa qua, để xem các trận đấu trực tiếp trên mạng của tập đoàn phát thanh truyền hình NBC, người Mỹ đã phải trả tiền, trừ trường hợp sử dụng truyền hình cáp. Điều này đã làm dấy lên nhiều phản ứng đến mức cùng ngày, NBC phải đồng ý phát trực tiếp miễn phí cuộc thi bơi vòng loại 200m nam với sự tham gia của hai vận động viên nổi tiếng của Mỹ là Raian Lốctê (Ryan Lochte) và Maicơn Pheo (Michael Phelps). Trên sóng truyền hình, lượng khán giả xem trực tiếp Olympic Luân Đôn của NBC đã đạt con số kỷ lục.

Đối với trang mạng YouTube, khi Ủy ban Olympic quốc tế thương thảo việc bán quyền trực tiếp các trận thi đấu trên mạng Internet, trang mạng này chưa ra đời. Thế nhưng, hiện nay YouTube cũng đã mua được quyền truyền lại các trận đấu Olympic Luân Đôn ở 64 nước, trong đó có vùng Nam Xahara châu Phi.

Với đà phát triển này, tại Olympic mùa Hè 2016, truyền hình ắt hẳn sẽ trở nên "ế ẩm" hơn.

Theo TTXVN