Thuốc bảo hiểm y tế liệu có thiếu?

(NTO) Thời gian gần đây, một số người dân phản ánh tại các cơ sở y tế trong tỉnh, tình trạng thiếu thuốc BHYT làm cho các bệnh nhân có thẻ BHYT nhưng vẫn phải mua thuốc ngoài để điều trị bệnh.

Tại huyện Bác Ái, tình trạng thiếu thuốc BHYT được một số người dân và cán bộ y tế xã phản ánh khá nhiều. Bà Chamaleá Thị Lĩnh, thôn Gia É, xã Phước Bình bị bệnh cảm, ho kéo dài đã nhiều lần đến Trạm Y tế xã để khám và xin cấp thuốc, nhưng do không có thuốc nên cán bộ y tế xã chỉ khám và hướng dẫn bà tự mua thuốc ngoài về uống. Theo Y sĩ Trần Quang Minh, Trạm Y tế Phước Bình, thì tại tủ thuốc của trạm không còn thuốc từ khá lâu nhưng chưa được bổ sung kịp thời, dẫn đến không có để cấp cho bà con tại địa phương, làm ảnh hưởng đến công tác khám và chữa bệnh.

Trạm Y tế xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

Không riêng tại Trạm Y tế xã Phước Bình, mà phần lớn các Trạm Y tế trên địa bàn huyện Bác Ái từ hai tháng nay đều không được cấp thuốc kịp thời. Anh Đào Văn Thuận, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Trung cho biết, là địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân là rất cấp thiết. Do không có thuốc BHYT để điều trị bệnh cho người dân, nên trạm phải thực hiện giải pháp tình thế là đi “mượn” thuốc sau đó trả lại khi nhận được thuốc BHYT.

Theo giải thích của cán bộ Trung tâm Y tế huyện Bác Ái, thì do các địa phương không có bác sĩ nên không được cấp thuốc theo danh mục, do đó có một số thuốc không có để cấp cho người bệnh.

Tại Bệnh viện tỉnh, anh N.V.T ở Phước Mỹ, Tp. Phan Rang, Tháp Chàm bị cảm sốt, đau đầu, sổ mũi phải ngồi chờ khá lâu để đươc khám BHYT. Chờ lâu nhưng khám nhanh, bước ra khỏi phòng khám anh T không mấy hài lòng vì trong số 5 loại thuốc được bác sĩ kê đơn, thiếu đến 2 loại thuốc. Mặc dù được nhân viên y tế tại phòng cấp thuốc khuyên anh nên quay vào đổi thuốc nhưng sợ cảnh chờ lâu nên anh đành chặc lưỡi, cầm đơn ra bên ngoài mua thuốc.

Tương tự tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, nhiều bệnh nhân sau khi đến khám BHYT ở đây đều có ý than phiền rằng họ phải trả tiền cho các loại thuốc “ngoài danh mục” quá nhiều... Mặc dù, có trường hợp phải chi trả số tiền khá cao nhưng do muốn chữa khỏi bệnh nên đều phải chấp nhận chi trả để uống cho đúng toa, đúng liều.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc dự trù và đấu thầu thuốc BHYT hàng năm tại tỉnh ta hiện nay đã được giao cho các bệnh viện và trung tâm y tế tự tổ chức, Sở Y tế chỉ làm công tác thẩm định kết quả. Cụ thể, hàng năm các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu thuốc để sử dụng, các Trung tâm Y tế tổ chức đấu thầu thuốc cho các Trạm Y tế. Trên cơ sở kết quả đấu thầu, các cơ sở y tế dự trù, đề xuất cơ số thuốc tùy theo tình hình khám, chữa bệnh thực tế để đơn vị trúng thầu cấp thuốc định kỳ về phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Phan Đình Hùng, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế: Do một số địa phương, cơ sở y tế, việc phối hợp thực hiện chưa làm hết trách nhiệm, không tuân thủ theo đúng quy trình nên dễ xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ. Đáng lẽ trước khi đấu thầu, các Trạm Y tế phải dự trù được lượng thuốc trong năm tới, theo danh mục, số lượng, rồi đề xuất lên Trung tâm Y tế rà soát, tổng hợp, bổ sung theo tình hình thực tế để tổ chức đấu thầu, thì ở tỉnh ta một số địa phương đang làm ngược, các Trung tâm Y tế tự dự trù, lên danh mục thuốc rồi tổ chức đấu thầu, do đó trong quá trình thực hiện không phù hợp. Có trường hợp làm thủ tục đấu thầu sai nên phải làm lại gây chậm trễ, phát sinh tình trạng thiếu thuốc. Phần do người dân không hiểu, quá trình đi khám bệnh tuyến trên, khi trở về địa phương dùng lại đơn thuốc này đề nghị tuyến dưới cấp thuốc BHYT, do không đúng tuyến nên cơ sở không có thuốc để cấp, nhưng cán bộ y tế không giải thích được nên người dân nghĩ rằng do thiếu thuốc.

Ông Hùng cho biết thêm, để chấn chỉnh tình trạng này, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ lập đoàn thanh tra về dược, tổ chức kiểm tra việc đấu thầu và sử dụng thuốc, kiểm tra tài chính, kết hợp hướng dẫn cụ thể quy định đấu thầu thuốc để các địa phương thực hiện. Mặt khác, xin chủ trương cho chuyển sang tổ chức đấu thầu tập trung, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để đảm bảo được yêu cầu về thuốc BHYT, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT cho người dân.