Cẩn trọng với đồ chơi "made in China"

Nhiều năm trở lại đây, hàng đồ chơi Trung Quốc dường như đã “nuốt chửng” thị trường đồ chơi trẻ em trong nước.

Căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (có hiệu lực từ ngày 15-4-2010), đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được bán trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn.

Thế nhưng, thị trường đồ chơi trong nước hiện nay lại đang tràn ngập những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc và đều không dán tem CR (chứng nhận hợp quy). Khảo sát ở những khu vực chuyên bán đồ chơi trẻ em trên địa bàn TP Hạ Long (như chợ Hạ Long I, chợ Hạ Long II và khu phố Trần Hưng Đạo v.v..) cho thấy: Hơn 90% hàng đồ chơi ở đây là hàng Trung Quốc với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau, giá chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng, như những chiếc ô tô mô hình loại nhỏ, bộ siêu nhân, búp bê, đồ chơi bằng nhựa... Những món đồ chơi có giá từ vài trăm nghìn đến tiền triệu như máy bay trực thăng, ô tô điều khiển, bộ xếp hình... cũng đều có mặt tại đây.

Ngoài ra, các cửa hàng bán đồ chơi còn có những loại mang tính bạo lực như dao, kiếm, súng bắn đạn, súng bắn laze... Hầu hết các loại đồ chơi đều được thay đổi mẫu mã thường xuyên, đặc biệt có những loại là hình những nhân vật hoạt hình trong phim cũng được bày bán, thu hút rất nhiều em nhỏ.

Hàng đồ chơi Trung Quốc luôn chiếm ưu thế hơn hàng sản xuất trong nước về mẫu mã và giá cả. Tuy nhiên, những mối hiểm hoạ mà đồ chơi Trung Quốc mang lại cho trẻ em cũng rất khó lường.

Và có lẽ nhu cầu phải thay đổi mẫu mã liên tục, nhất là tính năng hoạt động của đồ chơi, dẫn đến việc phải đầu tư liên tục về khâu thiết kế, công nghệ sản xuất nên không mấy doanh nghiệp trong nước mặn mà với sản phẩm đồ chơi trẻ em. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua đồ chơi Việt Nam tại một cửa hàng đồ chơi khá lớn ở phố Trần Hưng Đạo thì người bán hàng nói: “Làm gì có hàng Việt Nam. Bây giờ thị trường đồ chơi trong nước bị “thằng” Trung Quốc đè bẹp rồi. Làm sao Việt Nam mình có thể sản xuất đồ chơi có mẫu mã đẹp, đầy đủ chức năng mà giá lại rẻ như Trung Quốc được!”.

Đúng như lời người bán hàng nói, hàng đồ chơi Trung Quốc luôn chiếm ưu thế hơn hàng sản xuất trong nước về mẫu mã và giá cả. Tuy nhiên, những mối hiểm hoạ mà đồ chơi Trung Quốc mang lại cho trẻ em cũng rất khó lường. Cô Nguyễn Kim Oanh (tổ 3, khu 3, phường Hồng Hà) chọn mua cho con trai một bộ mô hình ô tô có điều khiển chỉ với giá 90 ngàn đồng.

Khi được hỏi tại sao không chọn mua những mặt hàng có dán tem hợp chuẩn, đảm bảo chất lượng, cô Oanh cho biết, vì trẻ con chơi đồ chơi chóng chán nên chỉ cần mua những loại có mẫu mã đẹp, hấp dẫn trẻ mà hợp với túi tiền là được, chứ mua những loại đắt tiền mà chỉ dùng được ít ngày thì rất phí. Cũng có cùng tâm lý như cô Oanh, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, một bộ đồ chơi Trung Quốc chỉ có giá bằng một nửa so với các sản phẩm cùng loại đã được kiểm định nên phần lớn người mua vẫn chọn những sản phẩm rẻ nhiều hơn.

Điều đáng nói là dù đã có nhiều thông tin về tính độc hại của đồ chơi “made in China” nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn không quan tâm hoặc chưa biết rõ nguy hiểm của nó. Chính vì thế, hàng đồ chơi Trung Quốc vẫn là mặt hàng bán chạy hơn những loại khác, thậm chí còn đắt khách hơn những sản phẩm đồ chơi thông minh của Việt Nam sản xuất.

Ngoài tính giải trí, vui chơi, đồ chơi cho trẻ em còn là một phương tiện để giáo dục nhân cách, thẩm mỹ cho trẻ. Vì vậy, các ông bố, bà mẹ nên quan tâm, chăm sóc và lựa chọn cho bé những món đồ chơi phù hợp để trẻ được vui chơi an toàn…

Nguồn Eva.vn