Làm gì để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản?

(NTO) Tình trạng ngư dân sử dụng chất nổ để đánh bắt hải sản ngày càng khá phổ biến. Tuy nhiên việc ngăn chặn và xử lý tình trạng này đang là một vấn đề khó khăn.

 Lợi bất cập hại

Tại làng biển Ninh Chử, nơi có số lượng lớn tàu thuyền hành nghề đánh bắt hải sản bằng lưới mùng, nhiều người dân thừa nhận việc đánh bắt hải sản bằng chất nổ trên biển hiện đang diễn ra khá phổ biến. Từ chỗ ngư trường khai thác gặp khó khăn, chi phí đi biển tăng cao, điều kiện đánh bắt ngày một bất lợi thì không ít ngư dân coi đây là một giải pháp để đánh bắt trên biển hiệu quả hơn. Theo một ngư dân ở khu phố Ninh Chử 1, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải): Đối với loại tàu cá hành nghề đánh bắt bằng lưới mùng, muốn hiệu quả thì phải sử dụng thuốc nổ, nếu không thì khó có thể duy trì nghề biển bởi sản lượng đánh bắt luôn đạt thấp, thua lỗ, bạn không theo, sớm muộn gì cũng phải bán tàu.

Bộ đội Biên phòng Đồn Ninh Chử tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định về đánh bắt trên biển.

Theo những người dân biển, đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản không chỉ gây hủy hoại ngư trường, rạn san hô, làm nghề biển thiếu tính bền vững, ảnh hưởng đến những tàu thuyền hành nghề khác mà còn là tác nhân gây ra những thương vong hết sức đau lòng. Mặc dù không có thống kê đầy đủ, do phần lớn người dân bị nạn đều che giấu, song đã có rất nhiều trường hợp tai nạn trên biển do nổ mìn, khiến ngư dân phải nằm lại biển khơi, hoặc từ giã nghề biển, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nan giải  “bài toán” khó

Để phát hiện, xử lý và ngăn chặn thực trạng sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản tràn lan hiện nay thì ngành chức năng đã gặp không ít khó khăn. Bởi việc mua bán, vận chuyển thuốc nổ thường được tổ chức rất tinh vi, có khi mua bán trực tiếp trên biển. Theo Thượng úy Huỳnh Nguyên Chương, Đồn phó Đồn Biên phòng Ninh Chử: Khó nhất là người dân biển ngại va chạm, sợ bị trả thù vặt nên chưa chủ động trong việc tố giác. Mặt khác, lượng tàu thuyền đông, ngư trường rộng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuần tra, kiểm tra.

Mặt khác, hình thức chế tài theo quy định của pháp luật trong trường hợp xử phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe. Điều 96, Bộ luật Hình sự quy định, người có hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ từ 1kg trở lên mới bị truy cứu tránh nhiệm hình sự. Còn dưới 1 kg chỉ xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa từ 7 -10 triệu đồng, trong khi đó thông thường một quả mìn đánh cá chỉ cần 0,2kg.

Cần ngăn chặn từ gốc

Nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai các biện pháp như tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia tố giác tội phạm, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc nổ. Qua đó đã phát hiện, điều tra xử lý 6 vụ mua bán, sử dụng tàng trữ vật liệu nổ trái phép, bắt xử lý 12 đối tượng, thu giữ tang vật gồm 29,5 kg thuốc nổ, 2,23 m dây cháy chậm, 46 kíp nổ. Xử phạt vi phạm hành chính hơn 100 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 100 triệu đồng.

Đại tá Nguyễn Quang Huỳnh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Việc sử dụng chất nổ khai thác hải sản là hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lợi thủy sản cả trước mắt và lâu dài. Do đó, trong thời gian tới, lực lượng Biên phòng tỉnh sẽ kết hợp sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, cũng như phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá tình hình và sàng lọc, xác định đối tượng có hành vi sử dụng vật liệu nổ khai thác hải sản làm cơ sở tiến hành các biện pháp đấu tranh ngăn chặn. Tăng cường mật độ tuần tra, kiểm soát hành chính công khai tại bến và trên biển nhằm ngăn chặn từ gốc các trường hợp vi phạm. Mặt khác, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nâng cao nhận thức, thực hiện ký cam kết không vi phạm và cung cấp thông tin, tố giác người vi phạm.

Tuy nhiên để phát huy hơn nữa tính hiệu quả và lâu dài, các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Tổ chức xem xét, phân loại hải sản đánh bắt bằng thuốc nổ để có biện pháp xử lý công khai đối với hành vi khai thác, đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ.